Khôi phục, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống

09:09, 18/09/2016

Trong xu hướng “tìm về cội nguồn”, hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh có các loại hình văn nghệ, trò chơi dân gian được khôi phục  như: các tổ, đội, CLB dân ca, dân vũ ở các huyện Hải Hậu, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Nam Trực…; nghệ thuật biểu diễn cà kheo, nặn tò he, chơi đu, thổi cơm thi, bắt trạch trong chum, kéo co, bơi chải ở các huyện Xuân Trường, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Ý Yên.

Đội múa rồng xã Hoàng Nam biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Nghĩa Hưng năm 2016.
Đội múa rồng xã Hoàng Nam biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Nghĩa Hưng năm 2016.

Huyện Hải Hậu có nhiều đội chèo ở các xã Hải Châu, Hải Quang, Hải Tây, Hải Minh, đội trống hội xã Hải Trung, đội cà kheo các xã Hải Triều, Hải Lý, đội múa lân sư xã Hải Hưng… Để khôi phục các loại hình nghệ thuật truyền thống, Trung tâm VH-TT huyện đã cử cán bộ xuống các tổ, đội, CLB chèo ở các địa phương bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về nhạc lý, hướng dẫn cách thể hiện, biểu diễn… Mặc dù hầu hết các loại hình văn nghệ quần chúng hoạt động theo phương thức xã hội hóa, do các thành viên tự đóng góp kinh phí, nhưng được Trung tâm VH-TT huyện quan tâm hướng dẫn chuyên môn và tổ chức các cuộc thi, hội diễn, đã tạo động lực để các CLB duy trì tập luyện, biểu diễn. Ở Nam Trực, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều xã, thị trấn trong huyện đã gìn giữ, khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát chèo ở các xã: Nam Thái, Nam Dương, Nghĩa An; múa rối nước ở xã Hồng Quang, múa rối đầu gỗ ở Thị trấn Nam Giang, múa tứ linh ở xã Nam Cường. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của Hội múa rối đầu gỗ (gồm 40 hội viên) ở 3 thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư (Thị trấn Nam Giang). Hiện tại Hội múa rối đầu gỗ Thị trấn Nam Giang vẫn bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu múa rối… và lưu giữ nguyên vẹn “Thập nhị Thánh tượng” (12 tượng thánh gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ) dùng trong múa rối chầu Thánh có niên đại hàng trăm năm... Ở huyện Trực Ninh hiện còn lưu giữ nghệ thuật Múa sơn quân độc đáo. CLB Múa sơn quân Thái Cường đã tập hợp 38 thành viên ở 2 xã Trực Cường, Trực Thái. Múa sơn quân là nghệ thuật diễn các tích trò dân gian (xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XIX), ở đó diễn viên dùng mặt nạ để thể hiện nhân vật. CLB hiện còn lưu giữ 30 chiếc mặt nạ có niên đại khoảng 180 năm, chất liệu được làm từ gỗ sung mô phỏng các nhân vật trong tích “Đường Tăng đi Tây thiên thỉnh kinh”. Những tiết mục của CLB luôn chứa đựng triết lý nhân sinh: “cái thiện sẽ chiến thắng cái ác” nên có tính giáo dục cao. Huyện Mỹ Lộc là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nên hầu hết lễ hội tổ chức ở các xã đều có các tiết mục múa tứ linh; tiêu biểu như xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân, sư, rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng; xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử. Một số đội múa tứ linh gặp khó khăn trong kinh phí để mua sắm linh vật, phục trang, đạo cụ, trống, chiêng… đã kêu gọi các thành viên đóng góp và con em xa quê hỗ trợ kinh phí với chi phí hàng chục triệu đồng. Hoạt động của các đội múa tứ linh ở Mỹ Lộc đã góp phần gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của quê hương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Cùng với gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều năm qua các địa phương trong tỉnh đã khôi phục các trò chơi dân gian trong các lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao. Ở di tích lịch sử - văn hóa Đền, Chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng giêng, ngoài việc tế lễ, rước kiệu, phần hội còn tổ chức các môn nghệ thuật và trò chơi dân gian như: nặn tò he, thi đấu cờ người, tổ tôm. Đặc biệt, sự xuất hiện của những nghệ nhân nặn tò he trong ngày hội đã thu hút đông đảo nhân dân theo dõi, nhất là các em thiếu nhi. Ông Vũ Ngọc Kênh (73 tuổi), thuộc thế hệ thứ 3 trong một gia đình có nghề truyền thống làm tò he ở thôn Hà Dương cho biết: Nặn tò hè đã có ở thôn Hà Dương từ lâu đời. Vào những năm 1960, nặn tò he là nghề chính nuôi sống nhiều gia đình trong thôn. Nguyên liệu làm tò he chủ yếu là bột gạo, màu nhuộm từ cây cỏ, hoa lá không chỉ an toàn với người chơi, gần gũi với thiên nhiên mà mỗi sản phẩm tò he đều gắn với một câu chuyện, sự tích nên mang tính truyền thụ, giáo dục các em, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Ở làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) vào mỗi dịp lễ hội nhân dân lại háo hức chuẩn bị các phần thi như: thổi cơm thi, chơi đu, leo cầu ngô, bắt vịt, bốc bồi, cờ tướng, kéo co… Độc đáo, sinh động, náo nhiệt nhất là trò thổi cơm thi làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên. Thổi cơm thi diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Đức Thánh Tổ dấy binh trấn giữ ấp thôn vừa hành quân vừa lo hậu cần. Vì vậy, tục thổi cơm thi của làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước (địch thủy), tạo lửa (địch hỏa), đến thổi cơm làm bánh. Đây cũng là nét độc đáo, hấp dẫn làm nên đặc trưng của hội làng Ngọc Tiên so với các vùng quê khác. Không khí đua tài náo nhiệt của các trò chơi dân gian còn diễn ra ở khắp các vùng quê trong tỉnh như: chơi cờ người trong lễ hội Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), cờ đèn dưới nước, hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy; múa gậy tại lễ hội Đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản). Đặc biệt, tại làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có gần 20 trò chơi dân gian mang đậm sắc thái địa phương như thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước… Ở lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên) nhân dân tổ chức các trò bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy; tại lễ hội đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên) duy trì thi bơi chải trên sông Đáy; ở lễ hội Chùa Hà Lạn, xã Hải Phúc (Hải Hậu) có thi đấu vật dân tộc… Điều dễ nhận thấy trong các trò chơi dân gian ở tỉnh ta là mỗi trò đều có tích liên quan đến các sự kiện lịch sử hoặc gắn với các nghi thức cầu mưa, cầu bình an, tín ngưỡng phồn thực, phản ánh nét văn hóa của cư dân nông nghiệp. Để khích lệ người dân tham gia các loại hình nghệ thuật dân gian vào ngày hội văn hóa - thể thao ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường… được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương; trong đó, mỗi huyện có hàng nghìn diễn viên, vận động viên quần chúng tham gia tranh tài ở các môn thể thao, các loại hình văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đi kheo, múa sư tử, trống hội, kéo co, bơi chải…

Những loại hình nghệ thuật dân gian và trò chơi truyền thống hiện được khôi phục, biểu diễn trong các lễ hội làng, ngày hội văn hóa - thể thao ở các địa phương trong tỉnh đã thể hiện sức sống của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước hôm nay./.  

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com