Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh góp phần gìn giữ vốn văn hóa cổ của quê hương

07:09, 01/09/2016
Vùng đất Quần Anh (Hải Hậu) xưa là nơi có truyền thống hiếu học và khoa bảng nên văn hoá Nho học, Hán học còn đậm nét trong đời sống nhân dân và qua những tên đất, tên làng. Kho tàng văn hoá cổ tại các đình, chùa, miếu mạo, gia phả họ tộc vẫn chưa được tìm hiểu và khai thác... Trước thực trạng đó, CLB Hán Nôm Quần Anh, xã Hải Anh ra đời nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của quê hương.
Một buổi học Hán Nôm tại Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Một buổi học Hán Nôm tại Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Được thành lập vào tháng 4-2009 với 17 thành viên, CLB Hán Nôm Quần Anh là mô hình giáo dục dạy chữ Hán Nôm, văn hóa cổ và hiện đại. Ngay từ khi thành lập, CLB đã đề ra mục tiêu hoạt động là khai thác vốn văn bản Hán Nôm tại địa phương, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của số đông người yêu thích văn hóa Hán Nôm. Qua 6 năm hoạt động CLB đã thu hút hàng trăm người tham gia theo học và sinh hoạt tại CLB. Đến nay, CLB đã quy tụ được 82 hội viên ở mọi lứa tuổi sinh hoạt đều đặn vào ngày 25 âm lịch hằng tháng, trong đó Ban chủ nhiệm CLB gồm 17 người sinh hoạt ở 7 tổ tại các xóm: 1A, 1B, 2, 3, 4, 5, 6, xã Hải Anh và 1 tổ ở Hà Nội với 5 hội viên. Ông Nguyễn Văn Miên, chủ nhiệm CLB Hán Nôm Quần Anh cho biết: Được sự giúp đỡ của Huyện ủy, UBND, Phòng VH-TT huyện, Đảng ủy, UBND xã Hải Anh, CLB đã hoạt động hiệu quả và đạt được những kết quả phấn khởi. CLB tổ chức nghiên cứu, dịch thuật các tài liệu, văn bản Hán Nôm cổ liên quan đến thân thế sự nghiệp của các danh nhân văn hoá như: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Trần Tế Xương; các thể loại như bia ký, hoành phi, câu đối ở những nơi thờ tự, các di tích lịch sử - văn hoá trong và ngoài tỉnh; các đạo sắc phong thời Trần, Vua Khải Định ban cho Tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập (năm 1917, 1921); các văn bản ghi chép cổ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội); đền Vua Đinh, Vua Lê (Ninh Bình); các ấn bản, tác phẩm văn học cổ như: “Bút tích Quần Anh”, “Thọ Mai Gia Lễ”, “Thông Thư”, “Bát Cẩm Trạch”; các tư liệu về đạo Phật, đạo Khổng Tử, Kinh dịch, Chu dịch… Để phát huy giá trị các văn bản Hán Nôm trong đời sống, từ năm 2011-2015 CLB đã xuất bản 5 tập nội san có tựa đề “Quần Anh văn vật” với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Một số hội viên trong CLB là tác giả của nhiều bài viết nghiên cứu Hán Nôm ấn tượng như: Nguyễn Văn Tiệp với tập thơ “Thơ mừng Xuân và câu đối mừng Xuân”; Phạm Văn Thưởng với các bài dịch “Khổng tử vấn đáp”, “Văn Xương Đế Quân Bách Tự Minh”; Vũ Hồng Minh với các tác phẩm “Câu đối mừng Xuân”, “Chữ thư pháp”, “Đức Phật từ bi”; Phạm Võ Hinh với tác phẩm “Sách của Thánh hiền”... Trong xu hướng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa thế giới ngày càng phát triển, để góp phần truyền bá tinh hoa di sản văn hoá Hán Nôm cho các thế hệ hôm nay và mai sau, việc truyền dạy chữ Hán Nôm được CLB coi là một nhiệm vụ quan trọng nhằm có thêm đông đảo lực lượng khai thác vốn Hán Nôm. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tổ chức được 7 khoá học Hán Nôm gồm 9 lớp học, với tổng số trên 100 học viên, trung bình từ 20-30 học viên/lớp. Mỗi khoá học được kéo dài 3-4 năm. Các lớp học chủ yếu được tổ chức tại NVH xã, Nhà lưu niệm Vũ Văn Hiếu và Từ đường họ Nguyễn Đại Tông trên địa bàn xã Hải Anh. Ngoài ra, CLB còn cử người đi truyền dạy ở nhiều lớp khác tại các xã lân cận như: Chùa Khánh Quang, xã Hải Đường; chùa Phúc Ninh, xã Trực Cường; CLB Người cao tuổi xã Hải Toàn… Các học viên theo học Hán Nôm Quần Anh chủ yếu là những cán bộ hưu trí, người cao tuổi và có cả công chức, công nhân, nông dân, tăng ni, phật tử, học sinh… Lớp học được duy trì đều đặn mỗi tháng 4 buổi vào ngày chủ nhật hằng tuần. Đội ngũ giáo viên dạy Hán Nôm trong CLB gồm 8 người cùng với Ban chủ nhiệm CLB đã hoàn thành việc biên soạn giáo trình giảng dạy, có nội dung thiết thực, phù hợp với quá trình học của các học viên… Ngoài học chữ cơ bản, các học viên còn được học tự nguyện với mong muốn tìm hiểu về những giá trị truyền thống của quê hương Hải Hậu; tìm hiểu lịch sử gắn liền với quá trình khai cơ, lập ấp, xây dựng đình - đền - chùa và những công trình kiến trúc cổ như: cầu Ngói, chùa Lương, từ đường, đền thờ Tứ tổ… Các học viên sau đào tạo có đủ khả năng thực hành chữ Hán Nôm ở nhiều lĩnh vực hoạt động như viết thư pháp, viết hoành phi câu đối, khắc chữ trên tranh gỗ, tranh dân gian, đồng thời khám phá những tư liệu về y học, dịch thuật, những nét đẹp trong những tác phẩm văn học Hán Nôm. Điều đáng ghi nhận ở CLB Hán Nôm Quần Anh là nhiều hội viên dù tuổi cao nhưng vẫn hăng say miệt mài với môn học mình yêu thích. Cụ Nguyễn Văn Tiệp, 93 tuổi - Người sáng lập ra CLB và cũng là người thầy đầu tiên trong CLB đã hơn nửa cuộc đời đam mê và gắn bó với chữ Hán Nôm cho rằng học chữ “thánh hiền” là học lễ nghĩa. Cụ tâm niệm: “Dù chân tay không còn nhanh nhẹn, sức khỏe không còn dẻo dai nhưng tôi vẫn đủ minh mẫn để dịch sách, viết chữ Hán Nôm và làm việc ngày đêm với mong muốn sau này thế hệ con cháu thông qua công trình nghiên cứu, dịch thuật của mình hiểu hơn về vốn văn hóa cổ xưa của dân tộc”.
 
Với nguồn kinh phí xã hội hoá, hoạt động CLB được thực hiện theo phương châm “Tự thu, tự chi, minh bạch công khai”. Thời gian tới CLB tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương thức sinh hoạt; nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút hội viên, góp phần tô đẹp thêm bản sắc truyền thống quê hương./.
 
Bài và ảnh:  Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com