Trước thực trạng quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và tác động của mặt trái cơ chế thị trường khiến cho các giá trị văn hoá truyền thống ở mỗi làng quê đang đứng trước nguy cơ mai một, những năm qua Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hoá, kết hợp giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê.
Nông thôn mới xã Nghĩa Minh. |
Các xã, thị trấn đã kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ và sửa đổi, bổ sung những quy định mới thành những quy ước nếp sống văn hoá lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong thực hiện xây dựng làng văn hóa, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia hưởng ứng, gương mẫu chấp hành các quy định về tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, đến nay toàn huyện có 225/293 thôn, xóm đạt danh hiệu văn hóa. Từ những cách làm, hướng đi sát với tình hình thực tế ở cơ sở, nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hóa; tiêu biểu như Thị trấn Quỹ Nhất và các xã: Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Hoàng Nam, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi… Xã Nghĩa Hồng có trên 10 nghìn dân, trong đó có 78% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Là địa phương có nhiều tôn giáo, Đảng ủy, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; quan tâm, hướng dẫn nhân dân sinh hoạt văn hóa tâm linh theo các quy định pháp luật. Trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, các đoàn thể đã có những đóng góp tích cực. Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện mô hình CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”. Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng”. Hội Người cao tuổi với cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Qua đó, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, khơi dậy tinh thần thi đua, tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Đến nay, cả 12 xóm của xã đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 87% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Xã Hoàng Nam là vùng quê thuần nông. Triển khai thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đã đưa các nội dung, tiêu chí của phong trào gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các ngành, đoàn thể, tạo sự gắn kết của phong trào với đời sống kinh tế - xã hội, quy tụ các tầng lớp nhân dân tham gia. Bám sát các quy định, tiêu chuẩn theo Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đã chỉ đạo các xóm bổ sung, sửa đổi hương ước và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, việc tổ chức việc cưới, việc tang trên địa bàn xã đã đi vào nền nếp, các tập tục lạc hậu bị xoá bỏ; các lễ hội diễn ra lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, 18/19 thôn, xóm trong xã đã đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá trong xây dựng làng văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm xây dựng, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở. Trong phân nhóm các công trình kết cấu hạ tầng xây dựng NTM của huyện, các công trình NVH, trung tâm văn hóa - thể thao xã… thuộc nhóm 1, phục vụ lợi ích cộng đồng do ngân sách Nhà nước các cấp đảm nhiệm. Công trình NVH thôn thuộc nhóm 2 do thôn, xóm quản lý, Nhà nước hỗ trợ không quá 50% kinh phí xây dựng, còn lại do nhân dân đóng góp. Từ định hướng đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng NVH. Đến nay, 248/293 thôn, xóm trong huyện có NVH, 212 khu vui chơi TDTT, 215 sân cầu lông, 38 sân bóng chuyền, 42 sân bóng đá… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá văn nghệ, TDTT của nhân dân. Với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 35 tổ, đội văn nghệ quần chúng, 2 CLB văn học - nghệ thuật cấp huyện; nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ như: chèo, cải lương, cà kheo, múa rối, múa tứ linh, trống trắc… CLB đàn hát dân ca người cao tuổi xã Nghĩa Hùng với 18 hội viên, được thành lập từ năm 2009, đã dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ đại diện cho xã tham dự hội diễn văn nghệ của huyện và từng giành nhiều giải cao. Các môn nghệ thuật dân gian như: múa rồng ở xã Hoàng Nam, cà kheo xã Nghĩa Thắng, múa hạc xã Nghĩa Hải, múa rối nước xã Nghĩa Trung tiếp tục được các địa phương quan tâm duy trì và phát triển. Phường rối nước Nghĩa Trung nhiều lần đại diện cho tỉnh dự thi Liên hoan Múa rối nước toàn quốc, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ... Đội cà kheo xã Nghĩa Thắng chuyên phục vụ, biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước, biểu diễn vào các dịp lễ, tết ở địa phương... Đội múa rồng xã Hoàng Nam tích cực tham gia biểu diễn trong các ngày kỷ niệm của Đảng, của đất nước, mừng thọ các cụ cao tuổi, biểu diễn dịp lễ hội Trần Hưng Đạo của thôn Đông Tĩnh vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Đội còn được mời biểu diễn ở các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Châu và được tham gia biểu diễn tại đại hội TDTT huyện.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tập trung nâng cao chất lượng phong trào xây dựng thôn, xóm, TDP văn hóa. Huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa, thể thao quần chúng. Triển khai đồng bộ và nâng cao hiệu quả của công tác thi đua - khen thưởng, lấy chỉ tiêu xây dựng làng văn hoá ở các xã, thị trấn là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại tổ chức Đảng, chính quyền nhằm tạo động lực phát triển phong trào./.
Bài và ảnh: Viết Dư