Phát huy nét đẹp văn hoá khoa bảng Nam Định

03:08, 13/08/2016
Tỉnh ta là một trong những địa danh nổi tiếng cả nước về truyền thống hiếu học. Trên vùng đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân đặc biệt coi trọng, trở thành nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, dòng họ, làng xã. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao “nhân kiệt” qua các triều đại. Như mạch nguồn chảy mãi, các con cháu đời sau trong các làng, dòng họ khoa bảng vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang vàng hiếu học của quê hương.

Nói đến làng có truyền thống khoa bảng của tỉnh không thể không nhắc tới làng Hành Thiện (Xuân Trường). Lật giở theo những trang sách “Hành Thiện xã chí” thì Hành Thiện vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang” được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, Vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa là “nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện” và ban cho làng 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong”. Ngay từ thuở ban đầu, khai hoang, lập ấp, dựng xây đời sống, nơi đây nổi tiếng là đất học và có nhiều người đỗ đạt trong các thời kỳ phong kiến. Thời Nguyễn, làng Hành Thiện có số người khoa mục đứng đầu toàn quốc với 3 Tiến sĩ gồm: Đặng Xuân Bảng (đỗ năm 1856), Nguyễn Ngọc Liên, Đặng Hữu Dương (đỗ năm 1889); 4 Phó bảng: Đặng Kim Toán (đỗ năm 1848), Đặng Đức Dịch (đỗ năm 1849), Nguyễn Âu Chuyên (đỗ năm 1884), Phạm Đình Sắc (đỗ năm 1901). Trong 42 khoa thi tổ chức ở Trường thi Nam Định (thế kỷ XVIII-XIX), khoa nào cũng có người Hành Thiện đỗ Cử nhân hoặc Tú tài với 87 Cử nhân và hơn 200 Tú tài. Tại khoa thi Hương năm Kỷ Mão 1879, làng Hành Thiện có 3 người đỗ đầu là: Giải nguyên Nguyễn Âu Chuyên, Á nguyên Đặng Văn Nguyện và thứ ba là Nguyễn Lý Thản. Dân làng Hành Thiện thời bấy giờ có câu: “Thần Chuyên, Thánh Nguyên, Trạng nguyên Thu” để ca tụng 3 ông. Ngoài ra, làng Hành Thiện còn có 4 người đỗ Giải nguyên và  4 người đỗ Á nguyên trong các kỳ thi Hương sau này. Là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao nên hầu hết các vị trí quan trọng trong hệ thống quan chức của triều đình phong kiến từ Trung ương tới địa phương thời Nguyễn đều do người quê Hành Thiện nắm giữ. Số dòng họ, gia đình có nhiều người đỗ đạt ở Hành Thiện, Xuân Trường chiếm số lượng lớn như: họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phạm... Những gia đình có nhiều thế hệ thi đậu Tiến sĩ, Cử nhân như: Ông Nguyễn Xuân Tháp (tác giả của cuốn Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục văn hội thông ký) và cháu là Nguyễn Lý Thản; ông Đặng Văn Bính và các cháu: Đặng Hữu Dương, Đặng Hữu Hộ, Đặng Hữu Hách; cha con: Đặng Hữu Đức, Đặng Vũ Uyển, Đặng Đức Cường, Đặng Đức Chính…

Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền Xối Thượng, xã Nam Thanh (Nam Trực) thờ Tam giáp Tiến sĩ Lê Hiến Tứ - người đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền Xối Thượng, xã Nam Thanh (Nam Trực) thờ Tam giáp Tiến sĩ Lê Hiến Tứ - người đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.

Vùng đất cổ Ý Yên cũng là quê hương của các vị Hoàng giáp. Toàn huyện có tới 7 vị Hoàng giáp, số người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ cũng chiếm số lượng rất cao trong vùng. Ý Yên là huyện sản sinh ra rất nhiều các nhà khoa bảng gắn với những tên đất, tên làng. Tại làng Tam Quang, xã Yên Thắng có gia đình Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị có một người con đỗ Phó bảng và ba người đỗ Cử nhân. Ở làng La Ngạn, xã Yên Đồng, có dòng họ Đỗ với truyền thống đỗ Khoa bảng qua nhiều thế hệ. Tổ đời thứ 9 của dòng họ Đỗ là Đỗ Huy Cảnh, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão năm 1819. Con trưởng của ông là Đỗ Huy Uyển đỗ Phó bảng năm 1841. Con trai của Đỗ Huy Uyển là Đỗ Huy Liêu đỗ Hoàng giáp năm 1879. Một số người khác trong  gia đình tuy không tham gia khoa cử nhưng vẫn học giỏi và làm nghề dạy học trong làng. Đây là gia đình mà cả cha con, ông cháu đều đỗ đạt. Ngoài ra còn rất nhiều gia đình có cha - con, ông - cháu, chú - cháu cùng thi đậu Cử nhân như: cha con Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh - Cử nhân Khiếu Tứ Ứng (năm 1900); chú cháu Lã Xuân Oai - Lã Xuân Trang, Hoàng Văn Tuấn - Hoàng Cẩn (năm 1876); ông Hương cống Trần Văn Vịnh, cha Trần Văn Tiến, con Trần Văn Cận, bác Trần Văn Quýnh, Trần Văn Thức, anh họ Trần Văn Tạo, Trần Tiễn Đắng cùng đậu Cử nhân (năm 1848)… Các dòng họ khoa bảng Ý Yên đều có những đóng góp to lớn cho đất nước ở các thời kỳ. Dòng họ Trần, làng Đại Lộc, xã Yên Chính có 18 vị Quận công gồm: 1 Đại tướng quân và 17 Thượng tướng quân đã lập được nhiều chiến công trong phò Lê dẹp Mạc và được vua ban cho quốc tính. Dòng họ Lã, xã Yên Tiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược đã có hơn 100 con em lên đường nhập ngũ, trong đó có trên 30 người đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường. Dòng họ Phạm, hậu duệ của Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, xã Yên Thắng là dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt và có ý chí, tinh thần dân tộc, truyền thống đó đến nay vẫn được nối tiếp.

Nam Trực là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao trong các kỳ thi dưới thời Lê - Nguyễn. Nơi đây là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng và 86 Cử nhân và Tú tài. Tiêu biểu như:  Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ… Nói tới các làng khoa làng bảng ở huyện Nam Trực không thể không nhắc đến: làng Cổ Chử với cha con Trần Văn Bảo và Trần Đình Huyên cùng đỗ đại khoa; làng Bái Dương với dòng họ Ngô (Ngô Thế Vinh đỗ Hoàng giáp; làng Bách Tính, Nam Trân, Vân Chàng, Tang Trữ, Lộng Điền...).

Vùng đất Thiên Bản xưa (huyện Vụ Bản nay) là quê hương của các vị Thám hoa và Hoàng giáp với 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 3 Hoàng giáp. Đây là  quê hương của Trạng Lường nổi tiếng về toán học và dòng họ Nguyễn ở làng Cựu Hào, xã Vĩnh Hào, với những tên tuổi học cao qua nhiều thế hệ như: Nguyễn Xưởng đỗ Cử nhân năm 1786 mở đầu cho dòng họ Nguyễn. Nguyễn Thuyên 3 lần đậu Tú tài và 4 người con là: Nguyễn Khâm, Tú Đoán, Tú Tương và Ấm Thừa đều đỗ Tú tài. Nguyễn Thành, em trai Nguyễn Thuyên đậu Tú tài 7 lần, là ông nội của Nguyễn Văn Tính - người đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1901) năm Thành Thái thứ 13. Người em thứ ba của Nguyễn Thuyên là Nguyễn Ngọc Đường cũng đậu Tú tài 4 lần… Ở huyện Trực Ninh có làng Cổ Lễ (nay là Thị trấn Cổ Lễ) là vùng đất học lâu đời với cha con họ Đào cùng đỗ đại khoa (cha là Đào Toàn Bân đỗ Tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên). Bên cạnh đó còn có các làng, xã có nhiều người đỗ đạt như: Phương Để, Dịch Diệp, Nhự Nương…

Trải qua bao thế hệ, những nét đẹp văn hoá ở các làng, dòng họ khoa bảng ở Nam Định vẫn được gìn giữ, phát huy, góp phần tạo nên truyền thống văn hóa làng xã, truyền thống hiếu học trong các dòng họ. Nhiều gia tộc, dòng họ đã biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện quy ước; bảo tồn, tôn tạo di tích từ đường, phần mộ tổ; tổ chức lễ mừng thọ; lập ban khuyến học - khuyến tài, tủ sách dòng họ… Các làng, dòng họ khoa bảng đều thành lập và duy trì hoạt động của ban khuyến học, xây dựng tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Tất cả các con cháu trong dòng họ ở độ tuổi đi học đều được đến trường, không có học sinh bỏ học, không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Các thành viên trong dòng họ đều tự giác học tập thường xuyên dưới nhiều hình thức, đồng thời tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tích cực tham gia và thực hiện tốt các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Thời gian qua, các địa phương, dòng họ có di tích thờ danh nhân văn hóa quê hương đã phát huy giá trị di tích góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các dòng họ, các cơ sở giáo dục ở địa phương có di tích thường tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các vị đại khoa. Hằng năm, tại các di tích thường diễn ra lễ kỵ tổ. Trong ngày này, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất. Các con cháu sau khi dâng hương ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích. Đây cũng là dịp để các chi xa, chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống… 

Giá trị văn hoá truyền thống làng xã với những nét đẹp văn hoá ở các dòng họ khoa bảng ở Nam Định luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân. Phát huy truyền thống tổ tiên, các con cháu thế hệ hôm nay và mai sau đã và đang nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác nhằm xây dựng gia đình, dòng họ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com