Giá trị văn hóa của các công trình kiến trúc cổ ở Nam Trực

03:08, 13/08/2016
Nam Trực là nơi hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống với 55 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng. Trong đó, nhiều di tích là những công trình kiến trúc độc đáo thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Tiêu biểu như: Đền Đá, xã Tân Thịnh; Đình Xám, xã Hồng Quang; Đền Am, Thị trấn Nam Giang; Đền An Lá, xã Nghĩa An; Đền - Chùa Thọ Tung, xã Nam Hùng…
Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.  Bài và ảnh: Viết Dư
Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. 
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Am, Thị trấn Nam Giang thờ Đức Thánh tổ, thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566-1641). Ông là một vị chân tu suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân. Đền Am gồm các hạng mục kiến trúc như: hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, công trình đền chính và hai dãy giải vũ môn. Đền chính có kiến trúc theo kiểu chữ “Công” gồm các hạng mục: tiền đường, trung đường, cung cấm. Tòa tiền đường 3 gian 2 chái. Bộ cánh cửa tiền đường được gia công theo kiểu bức bàn chạy suốt 5 gian, toàn bộ được làm bằng gỗ lim. Mặt bằng tiền đường được bố trí đối nhau, bộ khung được tạo dựng bởi sự liên kết của 6 bộ vì. Hai bộ vì gian giữa được thiết kế kiểu “Thượng cồn vành mai, hạ kẻ bẩy”. Bộ phận chủ lực chính của 2 bộ vì này là hệ thống cột tạo dáng búp đòng, phần chân cột được kê các tảng đá xanh hình cổ bồng. Trên các bức mê của các bộ vì được chạm họa tiết mặt hổ phù lớn, mê nách chạm họa tiết triện tàu, tùng, cúc, chữ “thọ”. Mái của tiền đường là bộ mái cong phẳng, gồm các cấu kiện: Hoành, rui làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam, bờ nóc trang trí họa tiết rồng chầu. Trên các cây xà dài, có chạm đề tài rồng chầu mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII với thân hình chắc mập, đao mác tua tủa. Tòa trung đường dài kiến trúc vòm cuốn, cột gạch chồng lâu 2 tầng 8 mái. Nối liền sau trung đường là tòa cung cấm 3 gian. Hầu hết các cấu kiện gỗ tại cung cấm đều được lắp dựng theo kiểu bào trơn, đóng bén. Đặc biệt là các mảng chạm khắc họa tiết lá hỏa mặt trời, vân mây mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Cách Đền Am khoảng 2km là Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang là một trong những ngôi chùa có kiến trúc cổ độc đáo. Chùa phần lớn làm bằng gỗ lim. Từ ngoài nhìn vào, chùa được nâng cao dần trong kiến trúc và trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến tổng thể công trình có thế vươn lên. Tam quan của chùa được xây chếch về phía đông. Thiền sư Từ Đạo Hạnh được thờ riêng trong một am của chùa, hiện còn nhiều mảng chạm đẹp có niên đại từ thế kỷ XVII. Sau chùa là gác chuông kiến trúc độc đáo kiểu chồng diêm, 8 mái với các đầu đao vút cao. Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh là công trình đền thờ được xây dựng bằng đá theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thờ Vũ Uy Công thời Hùng Vương thứ 18. Đền được xây dựng gồm 4 tòa chính và tòa dải vũ ở phía bắc. Kiến trúc đặc sắc nhất của Đền Đá được thể hiện tại tòa bái đường được làm bằng đá gồm 5 gian xây dựng từ năm 1941-1943. Mặt tiền tòa tiền đường là 3 con rồng to, khỏe, râu mác uy nghi, uốn quanh bức đại tự “Tam long giáng”. Cả tòa tiền đường được giữ bởi 8 cột đá, chân cột đặt trên trụ đá có họa tiết lá sen được chạm khắc công phu. Nghệ thuật điêu khắc tài hoa của các thợ đá xưa thể hiện khéo léo khi tạc trên 8 cột đá những bức phù điêu với những con rồng bay lượn trong mây, sà xuống uống nước dưới ao sen, những con cá chép bơi lượn… Ngoài trụ, cột, mỗi gian bái đường đều tạo một bộ cửa võng bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ với mặt hổ phù, rồng bay, rồng cuốn nước. Phía trên các cửa võng được trang trí các họa tiết cánh sen, bầu rượu, cỏ cây, hoa lá sinh động. Tòa tiền đường và trung đường được xây dựng khá công phu với các hàng cột lim, các họa tiết chạm khắc trên hệ thống xà ngang. Nét đặc sắc về họa tiết chạm khắc trên gỗ của đền được thể hiện trên bộ cửa gỗ lim ở tòa trung đường. Bộ cửa được chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu ở cánh cửa giữa và long chầu ở cánh cửa bên. Hình tượng rồng được chạm khắc với bờm và móng sắc, cùng với hoa lá, mây tản mang phong cách chạm khắc thời Hậu Lê. Đình Xám, xã Hồng Quang thờ sứ quân Trần Lãm (một trong 12 sứ quân thời Đinh). Khu di tích gồm có đình chính ở giữa; 2 nhà giải vũ xây theo phong cách “Quá giang kèo cầu” hai bên là ngôi đình dành cho các cuộc thi hát ở phía trước. Đình chính được xây theo hình chữ công. Điểm nổi bật của di tích là có ba bộ cửa, hệ thống cột và y môn được chạm trổ tinh xảo, đặc kín, với kỹ thuật chạm nổi, bong kênh, lộng... Đề tài chính là rồng điểm xuyết nhiều linh thú như hổ, khỉ, thạch sùng, thú nhỏ. Nghệ thuật chạm nổi, bong trên cửa đã có ở nhiều di tích khác nhưng nét độc đáo ở Đình Xám là mặt cột được chạm kín theo phong cách nghệ thuật truyền thống của thế kỷ XVII. Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến thờ Triệu Việt Vương, người có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ VI. Về kiến trúc, đền Đồng Quỹ còn bảo tồn hoàn chỉnh về kiến trúc và các đồ thờ tự, cổ vật, cổ thư; đặc biệt là các cổ vật bằng chất liệu đồng, bạc có giá trị cao về lịch sử và văn hoá, đều do bàn tay người thợ thủ công làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ sáng tạo ra như: vạc đồng, đỉnh đồng, tượng đồng. Các mảng chạm khắc ở các cấu kiện ở đền phong phú mang đậm phong cách thời Hậu Lê như: mặt hổ phù, mây rồng, hoa lá… là minh chứng cho một giai đoạn kiến trúc và điêu khắc huy hoàng của dân tộc. 
 
Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn quan tâm bảo vệ các di tích. Từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình quốc gia chống xuống cấp di tích, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn huyện được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Tại Đền Am, Thị trấn Nam Giang, vừa qua từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước một số hạng mục của đền như tiền đường và trung lâu vừa được trùng tu, tôn tạo. Năm 2014, Sở VH, TT và DL phối hợp với UBND huyện Nam Trực khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Đền Gin, xã Nam Dương với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền chính, giải vũ nội, ngoại; các hạng mục tôn tạo gồm: bình phong, hạng mục cửa, giếng, ao, vườn… Tại xã Hồng Quang, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay đã tiến hành trùng tu hơn 30 hạng mục tại 7 di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu như các chùa: Hóp, Phúc Lâm, Lạc La, đình và chùa Bàn Thạch. 
 
Những giá trị văn hoá trong kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của các di tích ở Nam Trực vẫn được nhân dân các địa phương bảo tồn, gìn giữ, thể hiện sự trân trọng với những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của các bậc tiền nhân./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com