Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên Lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày Tuyên ngôn Độc lập.
Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo bên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy.
Ấm lòng ta biết mấy
Ánh mắt Bác nheo cười
Lồng lộng một vòm trời
Sau mái đầu của Bác…
NGUYỄN PHAN HÁCH
Lời bình:
Kể từ ngày 2-9-1945, ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì trong tâm tưởng của mỗi người Việt Nam đã xuất hiện và tồn tại một màu nắng mới: Nắng Ba Đình. Đó là màu nắng của Cách mạng; Nắng của độc lập, tự do; Nắng của niềm tin và hy vọng… Hai danh từ Nắng và Ba Đình đã kết hợp để chuyển thành một tính từ: Nắng Ba Đình thiêng liêng, xúc động và rất đỗi tự hào!
Và màu nắng in trên quảng trường lịch sử và trên Lăng Bác đó đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ: “Nắng Ba Đình mùa thu/ Thắm vàng trên Lăng Bác”. Câu thơ mở ra một không gian rộng lớn với ánh nắng huy hoàng cùng cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Từ “Thắm vàng” vừa như thếp vàng lung linh, rực rỡ trên Lăng Bác, vừa gợi vẻ đẹp tươi tắn, đẹp đẽ và sáng trong của thiên nhiên. Giữa không gian đó, tác giả ngược về thời gian mà cảm nhận: “Vẫn trong vắt bầu trời/ Ngày Tuyên ngôn Độc lập”. Vẻ đẹp của màu nắng Ba Đình bắt nguồn từ một khoảnh khắc vĩnh cửu: Ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Không gian và thời gian đó không bao giờ phai nhạt trong tâm trí mỗi người Việt Nam chúng ta…
Theo dòng suy tưởng, nhà thơ đã đưa người đọc trở về sống trong không khí của mùa thu lịch sử. Bằng nghệ thuật nhân hóa: “Nắng reo”, tác giả đã diễn tả khí thế tưng bừng, phấn khởi, niềm vui vô bờ bến của muôn vạn con tim Việt khi Người đọc Tuyên ngôn. Cảm xúc ấy còn sống mãi với sắc nắng Ba Đình, trong dáng Người vẫy tay trên lễ đài và trong tiếng reo hò vang dậy núi sông…
Giữa màu nắng Ba Đình, hình ảnh Bác hiện lên lồng lộng mà gần gũi: “Ấm lòng ta biết mấy/ Ánh mắt Bác nheo cười/ Lồng lộng một vòm trời/ Sau mái đầu của Bác…”. Thì ra, màu nắng Ba Đình ấy được bắt nguồn từ ánh mắt của Người. Để rồi, chính nắng Ba Đình lại tôn vinh vẻ đẹp của Người. Hình ảnh của Bác cùng ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập vẫn mãi còn hiển hiện nơi đây.
Bài thơ được viết trong niềm thương nhớ và kính yêu Bác Hồ vĩ đại. Dù Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng song hình ảnh của Người, khí thế của ngày đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn sống mãi trong tâm hồn mỗi chúng ta…
Trần Văn Lợi