Trong nhịp sống của xã hội hiện đại hôm nay, lễ Vu lan không chỉ là dịp để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo với các bậc sinh thành, dưỡng dục mà còn là dịp để mỗi người biết yêu thương nhiều hơn…
Lễ Vu lan có ý nghĩa tâm linh, đạo đức và ý nghĩa xã hội sâu sắc mang tính phổ quát. Hiện nay, lễ Vu lan đã phát triển thành một nghi lễ “Báo tứ trọng ân đức” với bốn nội dung: nhớ ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên; tôn sư trọng đạo; ơn những người đã bảo vệ cuộc sống an lành cho mình; ơn quốc gia, xã hội đã nuôi dưỡng bản thân. Bởi vậy, lễ Vu lan không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ, mà trọng tâm là hướng đến làm các điều thiện. Trong dịp tháng 7, ngoài lễ Vu lan còn có lễ Xá tội vong nhân truyền thống của dân tộc. Dân gian quan niệm ngày rằm tháng 7 là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế nên được gọi là ngày xá tội vong nhân. Khi thực hiện lễ này, người Việt làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành. Như vậy do sự liên quan về nội dung, lễ Vu lan và lễ Xá tội vong nhân có xu hướng được nhân dân nhận thức và thực hành làm một. Điều đó thể hiện sự tiếp biến của lễ Vu lan và xá tội vong nhân đều cùng hướng đến tính nhân văn sâu sắc của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”. Theo tập quán truyền thống, các gia đình sửa soạn lễ để dâng cúng, lễ Phật cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát; nhiều người ăn chay, niệm Phật, đến chùa nghe thuyết pháp, chuẩn bị đồ cúng dường chư tăng ni vào ngày lễ. Ở nhà, nhiều gia đình thường thắp nhang đèn, bày hoa quả để cúng ở bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên trong nửa đầu tháng 7 âm lịch. Vào dịp này, ở nhiều từ đường dòng họ, con cháu cũng về hội tụ đông đủ, khi các vật phẩm cung tiến đã được xếp đặt ngay ngắn thì những hồi trống vang lên báo nghi thức bắt đầu buổi lễ. Tiếng trống âm vang kết nối truyền thống lịch sử với hiện tại, tiếp thêm sức mạnh để con cháu đoàn kết, tích cực học tập lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh, hằng năm, lễ Vu lan được tổ chức trang trọng ở nhiều ngôi chùa với những nội dung như: giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu giải trừ oan khiên cho các vong hồn chết vì thiên tai, dịch bệnh… Đặc biệt, lễ cài bông hồng được tổ chức ở các ngôi chùa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những người đến chùa dự lễ đều được cài một bông hoa hồng nhỏ. Người còn cha, mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn cha, mẹ cài bông hồng trắng để tưởng nhớ ơn đấng sinh thành. Chị Trần Thị Lan, phường Trường Thi, Thành phố Nam Định tham dự lễ cài bông hồng ở chùa Vọng Cung (TP Nam Định) không may mất cả cha lẫn mẹ. Chị Lan tâm sự: “Khi cha mẹ còn sống lo cho mình đầy đủ. Chỉ khi cha mẹ mất đi, tôi mới hiểu được giá trị của những ngày tháng hạnh phúc ấy. Vì vậy, những ai còn cha còn mẹ hãy biết quý trọng cha mẹ, đừng để đấng sinh thành phải buồn lòng”. Anh Trần Như Ba, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) may mắn hơn nhiều người khi được cài trên ngực bông hồng đỏ. Là người đã từng làm ba mẹ phải phiền muộn, mỗi khi nghe những lời giảng đạo hiếu, anh càng tự nhủ sẽ cố gắng hơn để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Anh tâm sự: “Hồi còn trẻ vì ham chơi, tôi đã nhiều lần khiến cha mẹ phải lo lắng. Bây giờ khi đã lập gia đình và có con, tôi càng hiểu tình cảm của cha mẹ và đã biết sống có trách nhiệm với mọi người”.
|
Các loại hàng mã được bày la liệt tại đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Lễ Vu lan là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, ngày lễ Vu lan đang bị nhiều yếu tố mê tín dị đoan, phi Phật giáo ảnh hưởng. Đó là việc lạm dụng đốt quá nhiều vàng mã. Ngay đầu tháng 7 âm lịch, ở nhiều chợ và khu dân cư trong tỉnh, người dân đã nhộn nhịp đi mua sắm vàng mã cho ngày lễ Vu lan. Tại phố Minh Khai (TP Nam Định), nhiều gia đình làm hương, vàng mã truyền thống đã bày bán khá nhiều loại sản phẩm; từ mặt hàng đơn giản như tiền, vàng, các loại quần áo, giầy, mũ đến những vật dụng “hiện đại” như điện thoại iPhone, iPad, nhà lầu, lò vi sóng, xe hơi, xe mô tô, đồ dùng gia dụng. Theo các chủ hàng, năm nay, ngoài các đồ hàng mã truyền thống, số lượng khách hàng tìm mua các sản phẩm hàng mã mô phỏng những vật dụng hiện đại như: điện thoại di động, nhà lầu… đều tăng đáng kể. Tình trạng lạm dụng đốt vàng mã trong dịp lễ Vu lan không còn mang ý nghĩa tâm linh mà đã biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. Một số thầy cúng đã cấu kết với những cơ sở làm hàng mã để lợi dụng lòng tin của tín chủ mà phán phải mua nhiều voi, ngựa, hình nhân thế mạng, tiền vàng cho các vị thần linh và người đã khuất… Một số gia đình chẳng những đốt điện thoại, đô la, tiền âm phủ làm từ giấy, còn tìm mua thẻ sim, cây ATM hàng mã để hóa vì tin rằng “người âm” cũng cần rút, gửi tiền. Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó Trụ trì chùa Vọng Cung (TP Nam Định) cho biết: Đạo Phật chính thống không khuyên mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất mà luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại. Lễ Vu lan còn là dịp để mọi người nhìn lại chính mình, nhìn lại những việc đã làm để báo hiếu trước công đức sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, ông bà. Thay vì chuẩn bị những đồ vàng mã đắt tiền để hóa trong dịp lễ Vu lan, mọi người nên có những hành động thực tế để chăm sóc sức khỏe cha mẹ. Với những ai không còn cha mẹ, nên dành thời gian làm việc thiện như giúp đỡ người nghèo. Đốt vàng mã không những vừa hao tài tốn của mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường. Tích đức tu nhân, làm việc thiện là cách báo hiếu, cách để “xá tội vong nhân” tốt nhất.
Để phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quan niệm và thực hành lễ Vu lan, mỗi người dân nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ truyền thống… Từ đó, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày./.
Bài và ảnh:
Viết Dư