Trên địa bàn tỉnh hiện có 275 di tích thờ tự hoặc có liên quan trực tiếp tới các nhân vật lịch sử thời Trần, trong đó nhiều di tích tiêu biểu được xếp hạng như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, Chùa Phổ Minh, các di tích quốc gia: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đình và miếu Cao Đài, Đình Đệ Tứ... Những năm qua, công tác quản lý, huy động các nguồn lực bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh ta đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VH, TT và DL quan tâm chỉ đạo. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa thời Trần có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đúng nguyên trạng, phát huy giá trị giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.
Múa rồng trong Lễ Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) năm 2016. |
Theo khảo sát của Bảo tàng tỉnh và Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa thời Trần được phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Trong đó Thành phố Nam Định có 28 di tích; các huyện: Mỹ Lộc (25 di tích), Nam Trực (38 di tích), Xuân Trường (30 di tích), Giao Thủy (12 di tích), Hải Hậu (37 di tích), Ý Yên (22 di tích), Vụ Bản (27 di tích), Nghĩa Hưng (36 di tích), Trực Ninh (20 di tích). Hằng năm, cùng với việc khảo sát, nghiên cứu các di tích thời Trần để lập hồ sơ khoa học và pháp lý trình UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; đề nghị Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia các di tích cấp tỉnh đủ tiêu chuẩn, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động thực hiện việc chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo các di tích trong dự án được Nhà nước xếp hạng. Tiêu biểu như di tích đền chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016 với tổng kinh phí 18,33 tỷ đồng do Sở VH, TT và DL là chủ đầu tư công trình. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền, chùa chính, khu thờ mẫu, nhà thờ tổ, nhà giải vũ nội, ngoại; các hạng mục tôn tạo gồm: hạng mục cửa, sân, mái, tường bao. Thực hiện Quyết định 252/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số quyết định sửa đổi, bổ sung về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015. Đến nay, 10/13 di tích trong nhóm dự án các điểm di tích được tu bổ, tôn tạo giai đoạn 1 đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng gồm: Đền Vạn Khoảnh, Đền Lựu Phố, Đình Kênh, Đình Đệ Nhất, Đình Tây Đệ Nhị, Đền Hậu Bồi, Đình Liễu Nha, Đình Đông Đệ Tam, Đình Đệ Tứ, Đình Tây Đệ Tam. Năm 2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1742/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ 5 di tích quan trọng thuộc giai đoạn 2, gồm: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Chùa Phổ Minh, Đền Bảo Lộc, Đình miếu Cao Đài. UBND tỉnh chỉ đạo Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc cùng các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp để triển khai tu bổ các điểm di tích trên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp. Hiện nay, Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đang được trùng tu nhà giải vũ đông, tây với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng từ nguồn công đức của nhân dân và du khách thập phương. Đình miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) đang tiến hành trùng tu các hạng mục: tiền tế, trung đường, hậu cung với tổng kinh phí dự toán trên 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh có di tích lịch sử - văn hóa thời Trần đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo. Huyện Hải Hậu hiện có 37 di tích lịch sử - văn hóa thờ tự các nhân vật lịch sử thời Trần. Ngoài nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, các địa phương có di tích trong huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích giữ nguyên kiến trúc gốc. Tại xã Hải Phương, từ nguồn đóng góp của nhân dân, các nhà hảo tâm và con em xa quê hương, đến nay, Đền Bảo Ninh thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng, tôn tạo lại một số hạng mục quan trọng đang xuống cấp như: xây mới sân khuôn viên, thay mới toàn bộ gạch trong đền, sơn tượng, xây tường bao… với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đền Xã Hạ, xã Hải Bắc thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa lại đền thờ Tống Hậu, cung nhà Mẫu, tam bảo. Huyện Trực Ninh hiện có 20 di tích lịch sử - văn hóa thời Trần. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm UBND huyện đã tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn; thủ từ các đền, trụ trì các chùa được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn. Bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, đến nay đền Thượng, xã Trung Đông thờ các tướng chỉ huy trong 3 đồn binh thời nhà Trần: Trần Phạm Bùi Tuyết, Bùi Khiết và Trương Long được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 500 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 300 triệu đồng. Đền Nam Trực, xã Trực Khang và Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhân dân đã cúng tiến hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện, chỉnh trang khuôn viên di tích. Cùng với bảo tồn, tôn tạo di tích, các lễ hội tại các điểm di tích thời Trần được tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới dự như: Lễ hội Trần (TP Nam Định), lễ hội Đền Bảo Lộc, lễ hội Đền Lựu Phố, lễ hội Đình Đệ Tứ… Lễ hội Đền Trần (gồm Lễ Khai ấn đầu xuân và Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo) đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Trong đó, Lễ Khai ấn đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba thời Trần có công với dân, với nước bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính. Lễ hội Trần tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được tổ chức vào dịp trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm. Thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, những năm qua nghi lễ trong lễ hội Trần được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thiên Trường thờ 14 vị Vua Trần. Ngày 20-8 âm lịch tiến hành nghi lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong không khí linh thiêng hương trầm lan tỏa, du khách thập phương thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cùng ôn lại những áng thiên cổ hùng văn bất hủ của Người như: “Vạn Kiếp Bí Tông Truyền thư”, “Binh Gia Diệu Lý yếu lược” và “Hịch Tướng sĩ”. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú, độc đáo như: múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, đấu vật, tổ tôm điếm… Tại Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) hằng năm lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo diễn ra vào 20-8 âm lịch thu hút đông đảo du khách thập phương. Ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội có một số trò dân gian đặc sắc như đấu vật, cờ người, múa bài bông... Cũng tại xã Mỹ Phúc, lễ hội Đền Lựu Phố tưởng nhớ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ diễn ra ngày 7-7 âm lịch hằng năm được UBND xã tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Ngoài các nghi thức như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo…
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần với số lượng lớn và mật độ phân bố dày đặc ở tỉnh ta đã khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất Thiên Trường - Nam Định trong tiến trình lịch sử dân tộc. Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần trên địa bàn tỉnh đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Viết Dư