Sức sống mới của phong trào văn nghệ quần chúng

04:07, 29/07/2016
Những năm gần đây, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Theo số liệu của NVH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng. Các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng hoạt động đa dạng, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
 
Bằng việc phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, huy động các nguồn lực xã hội, các địa phương trong tỉnh đã khôi phục, phát triển đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống. 
Đội kèn đồng xã Hải Minh (Hải Hậu) biểu diễn tại Liên hoan ca - múa - nhạc “Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020”.  Bài và ảnh: Viết dư
Đội kèn đồng xã Hải Minh (Hải Hậu) biểu diễn tại Liên hoan ca - múa - nhạc “Chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020”. 
Huyện Xuân Trường hiện có trên 100 tổ, tốp, CLB văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn; mỗi tổ, đội có từ 10 đến 20 người, gồm các nhạc công, diễn viên không chuyên là hạt nhân văn nghệ ở địa phương. Các tổ, đội, CLB văn nghệ đều hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Đặc biệt, các thành viên tham gia văn nghệ đều có khả năng sáng tác và dàn dựng những vở diễn hoặc tiểu phẩm sân khấu, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Xã Xuân Ninh hiện có 2 CLB chèo gồm: CLB chèo Hưng Nhân và CLB chèo Nghĩa Xá. Trong đó, CLB chèo Nghĩa Xá được thành lập từ đầu năm 2015 gồm 30 thành viên với thế mạnh nhiều thành viên biết hát dân ca nên đã dàn dựng được các chương trình biểu diễn đa dạng phục vụ nhân dân. Nhiều trích đoạn chèo cổ như: Đôi ngọc Lưu ly, Thị Màu lên chùa… hay các ca khúc mang âm hưởng dân ca như: “Người ơi người ở đừng về”, “Sông Cầu nước chảy lơ thơ”… được CLB dàn dựng và biểu diễn đã chiếm được cảm tình của khán giả. Ở xã Xuân Hồng, Hội Già Lam Hành Thiện thành lập từ năm 1998 gồm những nhạc công chơi nhạc cụ dân tộc hoạt động phục vụ các khóa lễ của chùa làng với các bài nhạc tế, lễ truyền thống. Hiện nay, tại mỗi dịp lễ ở chùa Keo Hành Thiện hay hội thánh, hội mẫu không thể thiếu Hội Già Lam Hành Thiện tham gia biểu diễn. Xã Xuân Tân hiện có 3 CLB chèo, 1 đội văn nghệ, 2 đội múa lân, sư, rồng, 1 CLB trống hội. CLB trống hội Xuân Tân có 23 thành viên, trong đó cụ Hữu Từ (77 tuổi) và cụ Xuân Chiêu (76 tuổi) vẫn tích cực tham gia tập luyện. Trong quá trình biểu diễn, các thành viên đánh trống giỏi như các bác: Văn Vĩnh, Văn Ấn, Văn Tường có nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống… Bởi vậy trống hội Xuân Tân không chỉ có âm sắc hay mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Nhờ khả năng biểu diễn các bài trống, CLB trống hội Xuân Tân từng được mời đi biểu diễn ở các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình… Ở huyện Ý Yên, Trung tâm VH-TT huyện thường xuyên tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo ghi âm, phát các tiết mục chèo đặc sắc của các đội chèo trên hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có trên 50 tốp, đội văn nghệ ở 32 xã, thị trấn, trong đó nhiều CLB văn nghệ biểu diễn các loại hình dân ca truyền thống như: CLB chèo, ca trù Ý Yên, CLB chèo Yên Phong, CLB dân ca Thị trấn Lâm, CLB chèo Yên Xá. Nhiều gương mặt tiêu biểu - Nghệ nhân Ưu tú Quang Lộc, diễn viên không chuyên Nguyễn Thị Lý là thành viên CLB chèo, ca trù của huyện đã dành nhiều tâm huyết mở lớp dạy hát chèo miễn phí cho thế hệ trẻ. Với việc dàn dựng các tiểu phẩm sân khấu ngắn gọn, các đội chèo ở Ý Yên đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện Trực Ninh có hàng chục tổ, tốp, CLB, đội văn nghệ thuộc 21 xã, thị trấn; mỗi tổ, đội có từ 15 đến 30 người là các diễn viên, nhạc công không chuyên. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Hùng, Trực Đại, Trực Cường, Trực Khang, Trực Đạo, Trực Tuấn, Phương Định. Ở Thị trấn Cổ Lễ, CLB văn nghệ liên thế hệ được thành lập từ năm 1997, đến nay có 30 hội viên, đã dàn dựng nhiều tiết mục phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Biểu diễn ca múa nhạc vào dịp Mừng Đảng - Mừng xuân; biểu diễn phục vụ các lễ hội của địa phương. Ở xã Trực Đại, phong trào văn nghệ phát triển sâu rộng; tiêu biểu là đội văn nghệ dân ca và múa lân ở xóm Khai Quang. Ở xã Trực Hùng từ nhiều năm nay, các thôn, xóm trong xã đã hình thành các CLB, tổ, đội văn nghệ duy trì sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của 6 đội nhạc kèn ở các giáo xứ Tân Lý, Tân Châu, Tân Phường, giáo họ Tân Mỹ và 2 đội kèn thuộc giáo xứ Lác Môn. Huyện Giao Thủy có hơn 20 đội chèo và hàng chục CLB ca - múa nhạc. Xã Giao Tân có đội văn nghệ của Hội NCT gồm 15 người được thành lập năm 2010, thường xuyên đại diện cho xã tham dự các hội diễn văn nghệ của huyện. Tại xã Bình Hòa, các xóm 1, 2, 3, 4, 8, 10 đều thành lập các đội văn nghệ, mỗi đội có từ 10-20 thành viên. Ở xã Giao Châu, ở loại hình ca - múa có các CLB hát ca khúc cách mạng, CLB văn nghệ phụ nữ, đội lân làng Tiên Chưởng, 12 tốp văn nghệ các xóm và đội văn nghệ trường tiểu học… Ở huyện Hải Hậu, hàng chục đội chèo trên địa bàn huyện còn có trên 100 đội kèn đồng, mỗi đội gồm 35 đến 40 nhạc công. Ngoài biểu diễn trong các nghi lễ trong nhà thờ, các đội kèn còn tập luyện và thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tiêu biểu như các đội kèn đồng: Hải Minh, Hải Đông, Hải Anh, Hải Tân, Thị trấn Yên Định, Hải Bắc…
 
Phong trào văn nghệ quần chúng có sức lan tỏa sâu rộng là do có sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc quản lý, định hướng hoạt động; hỗ trợ nơi luyện tập, trang âm, ánh sáng để các đội, CLB văn nghệ xây dựng các chương trình nghệ thuật theo chuyên đề, có nội dung phong phú, đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, Trung tâm VH, TT các huyện, thành phố đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động của các CLB, tổ, đội văn nghệ như: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn nghệ, khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương…
 
Thông qua các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hội diễn… các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở các địa phương đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, về Đảng, Bác Hồ, bồi đắp tình làng, nghĩa xóm, hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com