Những ngôi chùa cổ ở Ý Yên

08:07, 22/07/2016

Trên địa bàn huyện Ý Yên có 187 ngôi chùa, trong đó có 8 chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tiêu biểu như: chùa Ngô Xá, chùa Nề, xã Yên Lợi; chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng; chùa Đô Quan, xã Yên Khang; chùa Phạm Xá, xã Yên Nhân; chùa Phú Giáp, xã Yên Phong; chùa Đình Thượng, xã Yên Thọ… Hiện các di tích này có kiến trúc độc đáo và còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Xã Yên Lợi có quần thể di tích Đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích Tháp Chương Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Căn cứ nội dung các đạo sắc phong, hệ thống văn bia, bài vị, tượng thờ…, quần thể di tích ở xã Yên Lợi là nơi thể hiện sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo của người Việt thông qua việc thờ tự: Thiên thần, nhiên thần, nhân thần và thờ Phật. Chùa Ngô Xá ngoài thờ Phật còn phối thờ nữ thần và thờ hậu. Nội dung đạo sắc phong vào niên hiệu Khải Định 2 (1917) và Khải Định 9 (1924) cùng bài vị đã khẳng định tại đây thờ tự vị nữ thần, hiệu là Sơn Trương Thần Nữ. Chùa Ngô Xá được xây dựng ở lưng sườn núi, mặt quay về hướng tây nam. Chùa được thiết kế theo kiểu chữ “đinh”, gồm: Bái đường 3 gian 2 chái, tam bảo 3 gian. Tòa bái đường lợp ngói nam, trang trí họa tiết cánh sen. Nối liền tòa bái đường là tam bảo được xây dựng theo kiểu giao mái bắt vần, tạo thành mặt bằng kiểu chữ đinh. Hiện nay trong chùa Ngô Xá còn lưu giữ được một số bảo vật thời Lý, tiêu biểu là pho tượng Phật A Di Đà bằng đá với những nét chạm trổ tinh tế. Đây là một trong những tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất thời Lý hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-TTg, về việc công nhận 37 bảo vật quốc gia, trong đó có pho tượng Phật A Di Đà thời Lý hiện đang lưu giữ tại chùa Ngô Xá. Các hiện vật thời Lý tại quần thể di tích Đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích Tháp Chương Sơn là minh chứng cho một vùng địa linh, còn lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, nghệ thuật.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi.

Di tích cấp quốc gia chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng ngoài thờ Phật còn thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Chùa Phúc Chỉ xây dựng từ thời Trần, được sửa chữa lớn vào thế kỷ XIX, trên cơ sở tiếp thu kiến trúc truyền thống của những thế kỷ trước. Công trình kiến trúc chùa Phúc Chỉ được xây dựng theo kiểu chữ “sơn”, bao gồm tiền đường bảy gian và ba tòa phía sau tiền đường nằm theo chiều dọc, trong đó tòa ở giữa có ba gian, hai tòa hai bên mỗi tòa hai gian. Cả bốn tòa được làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Bảy gian tiền đường đứng vững nhờ bốn hàng cột bằng gỗ lim đặt trên chân tảng bằng đá. Trên bộ vì chạm khắc hoa lá, vân ám, hoa sen cùng các họa tiết mang phong cách nhà Phật. Chuôi vồ giữa chính là tam bảo chùa, được làm ngăn cách với tiền đường bởi hệ thống máng nước. Các bộ vì được chạm khắc, trang trí nhẹ nhàng các họa tiết hoa lá. Tòa hai gian bên trái là phủ thờ mẫu cũng được thiết kế theo phong cách truyền thống với bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Tòa hai gian bên phải thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Trên hệ thống vì chồng rường, bộ cánh cửa, các cột đều được chạm khắc với kỹ thuật điêu luyện. Toàn bộ mảng chạm trên các con rường với kỹ thuật chạm lộng nét nông, nét sâu đan xen nhau tạo nên một bức tranh theo đề tài “Mẫu long giáo tử”. Ngoài vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, chùa Phúc Chỉ còn lưu giữ được những di vật có giá trị như: đạo sắc phong năm Cảnh Hưng 44 (1783), hai tấm bia đá thời Nguyễn do Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị phụng soạn, cùng hệ thống câu đối, đại tự... Đây là những tư liệu quý giúp cho việc tìm hiểu mảnh đất con người Phúc Chỉ xưa và nay.

Cùng với giá trị kiến trúc, lịch sử - văn hóa, các ngôi chùa cổ ở Ý Yên còn là căn cứ hoạt động cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những năm 1928, 1929, chùa Ngô Xá là một trong những cơ sở hoạt động của Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở huyện Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên). Năm 1970, chùa Ngô Xá là nơi chứa vũ khí của Huyện Đội Ý Yên, là nơi mở các lớp giáo dục tiểu học xã Yên Lợi. Chùa Phú Giáp, xã Yên Phong từ năm 1945 đến năm 1954 là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng. Do vị trí chùa ở giữa cánh đồng nên lực lượng tự vệ địa phương thường bố trí canh gác đánh địch càn vào làng. Từ năm 1965 đến năm 1968, chùa Phú Giáp là kho lương thực và là nơi làm việc của UBND huyện Ý Yên. Những ngôi chùa cổ ở Ý Yên ngày nay vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua, nhiều ngôi chùa ở Ý Yên đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ở các địa phương quan tâm bảo vệ. UBND huyện chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng GD và ĐT… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng GD và ĐT huyện chỉ đạo các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình quốc gia chống xuống cấp di tích, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, thời gian qua, nhiều ngôi chùa trên địa bàn huyện được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi từ năm 2005 đến nay nhân dân và khách thập phương đã phát tâm công đức hàng tỷ đồng để tu bổ chùa chính, xây dựng mới các hạng mục như: Tổ đường, tháp Tổ và tượng Quan Âm Bồ tát, nhà khách, cổng Tam quan, nhà Mẫu… Năm 2015, chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng xây dựng nhà tổ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ kinh phí xã hội hóa. Năm 2013, chùa Phạm Xá, xã Yên Nhân từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của Nhà nước đã tiến hành tu sửa phần mái với kinh phí 100 triệu đồng. Vừa qua, chùa An Lạc, xã Yên Lộc tiến hành trùng tu tôn tạo với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng từ kinh phí xã hội hóa. Chùa Phú Giáp, xã Yên Phong tu sửa khuôn viên với kinh phí hàng chục triệu đồng do nhân dân và khách thập phương tiến cúng…

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực vận động các tổ chức, cá nhân chung tay bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh của những ngôi chùa cổ nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng quê hương phát triển./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com