Những nghệ nhân chế tác con rối ở làng Rạch

04:07, 29/07/2016

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc, trong đó con rối là “thành tố” quan trọng tạo nên nét đặc trưng của mỗi phường rối. Ở tỉnh ta, nghệ thuật chế tác con rối có từ lâu và vẫn được gìn giữ bởi bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân.

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh giới thiệu những con rối do ông chế tác.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh giới thiệu những con rối do ông chế tác.

Về làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) chúng tôi gặp nghệ nhân múa rối Phan Văn Mạnh khi ông vừa trở về sau chuyến lưu diễn 10 ngày ở tỉnh Yên Bái. Hiện nay, ông là một trong số ít những người trong làng vừa biểu diễn múa rối, vừa trực tiếp chế tác các con rối. Sinh năm 1957 trong một gia đình có truyền thống 7 đời làm nghề rối nước, từ năm lên 6 tuổi, cậu bé Mạnh đã cùng cha và ông nội lưu diễn ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Với sự chỉ dẫn của cha và năng khiếu bẩm sinh Mạnh đã làm được những con rối đầu tiên như con trâu, con ếch... Năm 1981, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Phan Văn Mạnh vừa tham gia công tác Đoàn, vừa chính thức bước vào nghề chế tác con rối và tham gia phường múa rối nước của gia đình. Ông cho biết: Quân rối nước là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc, trữ tình. Để làm ra được những quân rối, phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những người làm nghề. Nét độc đáo của quân rối Nam Chấn là được làm từ gỗ sung và sơn ta, dễ điều khiển dưới nước. Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn: Tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Mỗi bước sơn cách nhau 5 ngày. Cuối cùng là gọt rũa, đánh bóng và trang trí. Với đôi bàn tay chế tác tài hoa của những người làm nghề hình thù của con rối thường sống động, tươi tắn, ngộ nghĩnh, mang tính hài và tính tượng trưng cao. Những quân rối nước thường được sử dụng trong buổi biểu diễn gồm có chú Tễu, cô tiên, người đi cày hay người đánh cá... Trong đó, nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh biểu tượng cho sự vui tươi, lạc quan của người nông dân trong lao động sản xuất. Quân rối nước dù tạc liền một khối hay chắp lại đều có hai phần gắn liền nhau đó là phần thân và phần đế. Phần thân là phần nổi lên mặt nước thể hiện hình tượng nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động. Muốn rối cử động mềm mại khi biểu diễn, còn phụ thuộc vào kỹ thuật lắp máy, dây điều khiển quân rối. Máy điều khiển rối nước được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Phường múa rối nước Sông Quê do nghệ nhân Phan Văn Mạnh phụ trách sử dụng cả hai kỹ thuật truyền thống dùng máy sào bằng tre, sào gỗ, sào kim loại… kết hợp với máy dây bằng chão, dây thép để điều khiển những con rối. Hiện nay, bộ sưu tập con rối của nghệ nhân Phan Văn Mạnh đã có gần 1.000 sản phẩm với chủ đề đa dạng như: đời sống nông thôn, các trò dân ca, dân vũ, con vật trong tứ linh, các nhân vật trong truyện cổ tích… Đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện nay nghệ nhân Phan Văn Mạnh còn chế tác nhiều con rối nhỏ để làm quà lưu niệm cho khách đến xem biểu diễn. Các con rối do ông chế tác được nhiều phường múa rối các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái… tin tưởng đặt mua. Thời gian gần đây, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã liên hệ với nghệ nhân Phan Văn Mạnh để tổ chức cho học sinh trải nghiệm các công đoạn chế tác rối, thao tác múa rối tại thủy đình làng Rạch. Sắp tới, nghệ nhân Phan Văn Mạnh sẽ nghiên cứu để chế tác con rối phục vụ biểu diễn tích trò hát chầu văn, hầu đồng.

Cùng với nghệ nhân Phan Văn Mạnh, những người anh, người em trong gia đình ông đều là những nghệ nhân chế tạo con rối tài hoa như: Phan Văn Mẽ, Phan Thanh Liêm và Phan Văn Dũng. Mỗi người một hướng đi, một đoàn múa rối riêng nhưng họ đều tâm huyết với nghề truyền thống mà ông cha để lại. Riêng nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã biến căn nhà của mình ở Thủ đô Hà Nội thành “bảo tàng” rối. Căn nhà của anh có 4 tầng, tầng một là xưởng làm rối, tầng hai là không gian giới thiệu về lịch sử làm nghề rối của gia đình anh, tầng ba là nơi dành cho không gian hoàn thiện, chế tác quân rối; tầng bốn, anh bố trí một thủy đình mi ni để trình diễn các màn múa rối nước, phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong kỹ nghệ chế tác con rối, nghệ nhân Phan Thanh Liêm đã cải tiến con rối với đế bằng cao su. Vì thế anh có thể dễ dàng điều khiển một lúc 2 con rối, thậm chí cả đội hình múa rối gồm 8 cô tiên. Với sự sáng tạo ấy, anh có thể độc diễn được nhiều tích trò ở khắp các sân khấu trong và ngoài nước. Mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm con rối nhỏ hẹp, chỉ quanh các nhà hát, các đoàn hoặc CLB múa rối, nhưng điều đáng mừng là ở làng Rạch vẫn còn nhiều lớp nghệ nhân kế cận đam mê và lưu giữ bí quyết nghệ thuật làm con rối như các anh: Phan Văn Triển, Đặng Văn Bền, Phạm Văn Phong… Anh Phan Văn Triển (38 tuổi) đã có 25 năm làm nghề chế tác con rối cho biết: Từ nhỏ, mỗi lần nhìn những cục gỗ đơn điệu dần dần trở thành những con rối có thể múa hát, diễn trò từ bàn tay của các nghệ nhân anh vô cùng thích thú, thán phục. Ngày qua ngày, tình yêu nghệ thuật múa rối đã ngấm vào anh từ lúc nào không hay. Anh quyết định chọn múa rối nước làm con đường lập nghiệp. Theo anh Triển, những tiết mục múa rối chủ yếu dựa theo những tích truyện dân gian và phải diễn làm sao sống động. Vì thế mà những yêu cầu về kỹ thuật để con rối mềm mại, trơn tru phải đạt chuẩn. Khi nhạc nổi lên thì các nhịp của con rối phải thật khớp, không để kẹt dây hoặc các con rối vướng vào nhau. Hiện nay, cơ sở sản xuất chế tác con rối của anh Phan Văn Triển có 4 thợ điêu khắc. Các sản phẩm rối của anh chủ yếu phục vụ cho Nhà hát Múa rối Việt Nam và các phường rối ở Hải Phòng, Hà Nội.

Các nghệ nhân chế tác con rối ở làng Rạch đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm con rối độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền nghề cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com