Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, NVH, CLB”, những năm qua, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Phòng GD và ĐT xây dựng các chương trình hoạt động thiết thực nhằm khai thác và phát huy vai trò hệ thống thiết chế bảo tàng, nhà truyền thống trong việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.
Nhân dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng huyện Nam Trực. |
Được xây dựng từ năm 2008, Bảo tàng huyện là nơi lưu giữ những tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các bậc danh nhân, các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ cách mạng đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Không gian trưng bày của Bảo tàng được chia làm 5 phần: Phần 1 trưng bày những hình ảnh, tài liệu về quá trình hình thành, phát triển mảnh đất và con người huyện Nam Trực. Phần 2 trưng bày hiện vật trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Phần 3 trưng bày hình ảnh hoạt động của các đồng chí lãnh đạo huyện, phong trào cách mạng huyện qua các thời kỳ. Phần 4 trưng bày các tài liệu về lịch sử phát triển kinh tế của huyện. Phần 5 trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật về các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân Nam Trực trong công cuộc đổi mới đất nước… Đồng chí Nguyễn Văn Đường, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Thời gian qua, Bảo tàng huyện Nam Trực không ngừng hoàn thiện hệ thống trưng bày, sưu tầm, bổ sung thêm tài liệu, hiện vật. Đến nay, Bảo tàng huyện đã có trên 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Mỗi người khi đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng đều cảm nhận được dòng chảy xuyên suốt của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại; được bồi đắp, khơi dậy niềm tự hào, trân trọng những thành quả của cha ông để lại. Là vùng đất cổ, các thế hệ nhân dân Nam Trực đã dày công vun đắp nên những truyền thống tốt đẹp: truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm; tinh thần năng động, ham học hỏi; bản sắc văn hoá đậm đà sắc thái địa phương… Có thể thấy rõ điều này qua nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng huyện như: Văn bản, sách lịch sử nói về vùng đất Nam Trực; một số hiện vật thường dùng trong gia đình của người dân nơi đây; hình ảnh sự phát triển kinh tế đa dạng của huyện: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp qua những sản phẩm nông cụ nổi tiếng làng rèn Vân Chàng… Riêng phần trưng bày về truyền thống văn hoá và các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá, Bảo tàng huyện Nam Trực đã thể hiện đậm nét, tạo điểm nhấn bằng những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu như: Hồ sơ, hình ảnh về các di tích lịch sử - văn hoá của địa phương như: Đền Din, chùa Đại Bi, đền Xám…, cùng với những hiện vật gắn với nghệ thuật múa rối nước truyền thống tại địa phương. Để tăng số lượng hiện vật phục vụ khách tham quan, Bảo tàng huyện đã huy động các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá. Từ năm 2012 đến nay, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp Bảo tàng với kinh phí trên 1 tỷ đồng để phục vụ nhân dân tới tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt, Bảo tàng huyện còn phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, cách mạng của quê hương. Đối tượng phục vụ trong Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, NVH, CLB” của Bảo tàng huyện không chỉ dừng lại ở học sinh mà hướng đến tất cả các tầng lớp nhân dân, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và ý thức trách nhiệm công dân, giúp họ có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương. Trong dịp kỷ niệm 41 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016), Trung tâm Chính trị Trường Chinh huyện đã tổ chức cho lớp đảng viên mới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội truyền thống của quê hương tại Bảo tàng huyện. Buổi tham quan là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, bổ sung cho đảng viên mới những kiến thức về lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của địa phương.
Ngoài Bảo tàng huyện, các xã: Đồng Sơn, Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Thái đã xây dựng được hệ thống nhà truyền thống nơi trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh truyền thống lịch sử, văn hoá của địa phương. Nội dung gồm 3 phần: giới thiệu về cảnh quan, địa lý, thổ nhưỡng; lịch sử trước cách mạng; lịch sử cách mạng… nêu bật những sự kiện tiêu biểu, những nét đặc sắc về văn hoá - xã hội của từng địa phương. Hằng năm vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, nhà truyền thống các xã đều tổ chức các hoạt động: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Các trường học cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan nhà truyền thống xã nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương.
Để khai thác, phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật của bảo tàng, nhà truyền thống huyện Nam Trực và các địa phương cần tiếp tục quan tâm, đầu tư áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc trưng bày, bảo quản các tài liệu, hiện vật. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa phong phú và hấp dẫn để thu hút khách tham quan. Bằng những hoạt động thiết thực, Bảo tàng huyện và nhà truyền thống các xã của huyện Nam Trực đã góp phần đắc lực trong công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng