Huyện Vụ Bản hiện có trên 200 di tích lịch sử - văn hoá với nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, trong đó có 5 ngôi đền cổ được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia. Tiêu biểu là: Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); Đền Đông (xã Thành Lợi); Đền Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); Đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng).
Trong tâm thức của người dân Vụ Bản, những ngôi đền cổ là chốn thiêng liêng, là nơi bảo lưu, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hoá quê hương. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, những ngôi đền cổ còn mang ý nghĩa lịch sử nhằm tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đền Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào thờ Bạch Đẳng - Cao Lôi, hai vị tướng kết nghĩa anh em dưới thời Hai Bà Trưng. Khi Mã Viện - viên tướng nhà Đông Hán xâm lược nước ta lần thứ hai, hai ông đã về trang Vĩnh Phúc, huyện Thiên Bản (nay là xã Vĩnh Hào, Vụ Bản) để chiêu mộ binh lính. Mùa xuân năm Quý Mùi, Hai Bà Trưng cùng các tướng sĩ trong thế yếu phải rút lui. Trước thế giặc quá mạnh, quân ta không còn sức kháng cự, Bạch Đẳng và Cao Lôi đã nhảy xuống sông tự vẫn để giữ tấm lòng tận trung với nước. Nhân dân trang Vĩnh Phúc thương tiếc hai vị tướng tài danh đã lập đền thờ trên mảnh đất đồn binh xưa. Vua Đinh đã phong “Đương cảnh Thành hoàng Bạch Đẳng tôn thần” và “Lôi công Đại vương tôn thần”. Ngoài thờ hai ông, đền Vĩnh Lại còn thờ các tổ lập làng mở đất. Tại đền hiện còn lưu giữ được Long ngai thờ Bạch Đẳng, Cao Lôi và quả chuông đồng đúc vào đời Vua Tự Đức năm thứ 23 (1870). Đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng là di tích thờ Lạc Trưng nữ tướng Mai Thị Hồng (vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng). Bà là Phó tướng chỉ huy thủy quân trấn giữ vùng Sơn Nam. Bà không chỉ có công chống giặc Đông Hán lúc bấy giờ mà còn xây dựng hành cung Thám Thanh và Phường Nứa ở hai quê nội, ngoại để khuyến khích dân chăm chỉ làm nông trang, dạy dân làm nghề, cải thiện cuộc sống, cứu giúp người nghèo khổ, gây dựng thuần phong mỹ tục. Khi Mã Viện sang đánh báo thù, bà đã triệu tập binh sĩ, hội quân về kinh đô đánh giặc. Cuộc kháng chiến thất bại, Hai Bà Trưng lui quân về Cấm Khê cố thủ, sau núng thế và tuẫn tiết, bà Mai Thị Hồng chạy về Đông Cao và gieo mình xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi về quê, nhân dân Phường Nứa vớt được chôn cất và lập đền thờ. Trên thôn Thám Thanh, dân cũng lập đền thờ bà và tiên tổ họ Mai. Xung quanh địa bàn thôn Vụ Nữ hiện nay còn có những vùng đất: Bối La, Hạnh Lâm, Triệu, Phạm, Thám Thanh, tương truyền xưa là nơi bà luyện quân chống giặc. Khu am (lăng mộ bà) nằm trên gò đất cao bên một dòng sông cổ - nơi tụ khí thiêng của nữ tướng anh hùng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), đền Vụ Nữ là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng về hoạt động. Các đồng chí cán bộ của tỉnh và huyện như Nguyễn Thạch, Trần Huy Hoan, Phạm Văn Đê cũng từ nơi này chỉ đạo kháng chiến. Tháng 2-1950 từ Vụ Nữ, lực lượng du kích đã đánh lui cuộc tấn công của địch ở đồn Bất Di và vài ngày sau du kích địa phương đã chiến đấu ngoan cường và giành thắng lợi. Đền Giáp Nhất (còn có tên gọi là phủ Giáp Nhất hay phủ Mới), xã Quang Trung, thờ danh tướng Đào Quý Nương - người có nhiều công lớn giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán xâm lược. Theo thần tích, bà là một nữ tướng đã chiêu binh tụ nghĩa, kéo về Hát Môn cùng Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống giặc. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi bước đầu, Đào Quý Nương được phong làm Giám sát nguyên suý, phong hiệu là Công chúa. Khi Mã Viện kéo quân sang đàn áp, nghĩa quân không đủ sức chống lại, bà đã cùng tuẫn tiết theo Hai Bà Trưng. Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân đã lập đền thờ để tri ân công đức. Hiện nay, đền thờ nữ tướng Đào Quý Nương nằm ngay trục đường chính của xã Quang Trung. Cũng tại đền Giáp Nhất còn thờ một vị tướng là Hoàng Đức Công. Ông là người làng Giáp Nhất, khi nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đã cùng thanh niên trai tráng trong làng hăng hái tham gia, sau đó được thờ tự tại đây. Đền Giáp Nhất là di tích có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tổng thể kiến trúc của ngôi đền gồm các hạng mục: Nghi môn, giếng nước, siêu hương, tiền đường, cung cấm và hành lang. Công trình chính của ngôi đền xây dựng theo kiểu tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh. Siêu hương được xây dựng vào năm Khải Định thứ 9 (1924), gồm 3 gian, 4 hàng cột lim. Bốn mái của siêu hương đều được lợp ngói nam, các đầu đao đắp rồng, phượng uốn lượn, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Tiền đường và hậu cung ngôi đền được xây dựng từ triều Vua Tự Đức thứ 26 (1873). Chính giữa hậu cung có đặt khám và tượng thờ Đào Quý Nương. Ngoài công trình kiến trúc, đền Giáp Nhất còn bảo lưu khá nguyên vẹn các di vật, cổ vật như: Các đạo sắc phong có niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Thành Thái năm thứ nhất (1889), Khải Định năm thứ 9 (1924) cùng ngọc phả, thần vị, câu đối, đại tự... Trong đó, đáng chú ý là đôi câu đối:
“Hùng xưng nữ giới song Trưng tướng; Linh hiển Nam châu Nhất Giáp thần” dịch là:
“Tướng của Hai Bà Trưng là một nữ anh hùng; Linh hiển ở nước Nam là thần của Giáp Nhất”.
Những ngôi đền cổ ở Vụ Bản có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Tại di tích lịch sử - văn hoá đền Vĩnh Lại, lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân để tri ân các tổ mở đất, tụ dân. Hằng năm, vào ngày 30 tháng Chạp, các cụ từ và ban khánh tiết làm lễ mở cửa đền. Mọi người đến thắp hương lễ tổ tiên đón giao thừa, năm mới. Ngày 2 tháng Giêng có lệ làm cỗ mừng chức sắc trong làng; đặc biệt chọn 12 người trong số trai đủ 18 tuổi làm cỗ cúng ở đền gọi là “mừng nhòng” - cầu cho làng “đa đinh giàu của”. Ngày rằm tháng Giêng làm lễ giỗ tổ. Các dòng họ trong làng làm cỗ cúng Phật, Thánh. Ngày hóa của Cao Lôi, dân làng tổ chức tế lễ một ngày. Riêng kỷ niệm Thánh Cả - Bạch Đẳng được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 12-2 âm lịch. Trong hội thường có hoạt động tế, lễ, rước kiệu thánh. Các làng thi múa lân, múa sư tử, múa gậy, múa đao, thi đánh cờ, đấu vật, thả diều… Tại đền Giáp Nhất, hằng năm còn lưu giữ được đầy đủ các sinh hoạt văn hóa diễn ra trong các kỳ lễ hội như kỷ niệm ngày sinh của nữ tướng Đào Quý Nương (ngày mồng 6 tháng Giêng), kỷ niệm ngày mất (ngày mồng 6-7 âm lịch). Trong những ngày này cùng với các nghi thức tế lễ, nhân dân còn tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ người, chơi đu, thi nấu cỗ… Tại đền Vụ Nữ, vào ngày kỵ của bà Mai Thị Hồng (12-2 âm lịch) hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội kéo dài 3 ngày có đủ các nghi thức tế, lễ, rước kiệu. Ngoài ra còn tổ chức nhiều trò chơi liên quan đến lúc sinh thời bà luyện quân đánh giặc như thi vật, võ, đánh gậy, múa cờ, thổi cơm thi, bơi thuyền và một số trò chơi dân gian khác.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của những ngôi đền được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, những năm qua, huyện Vụ Bản đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích. Công tác tổ chức và quản lý các lễ hội được thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm; nhiều trò chơi dân gian được khôi phục đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự; vừa bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của quê hương, vừa góp phần quảng bá thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Khánh Dũng