Đêm mùa hạ êm đềm nơi quê ngoại. Lặng ngắm ánh trăng vằng vặc chiếu qua khung cửa sổ mở rộng đón gió trời và tận hưởng hương hoa cau dịu ngọt trước thềm nhà thoảng đến. Trong yên tĩnh của đêm, chợt nghe âm thanh của một tàu cau già khô giòn rơi bộp trên nền đất, những kỷ niệm gắn liền với chiếc mo cau lại ùa về.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Mảnh vườn trước nhà ngày xưa, hầu như gia đình nào cũng trồng một hàng cau thẳng tắp. Cây cho bóng mát, quả để ăn trầu và những tàu cau già rụng xuống cũng không hề bỏ phí. Những tàu lá cau buộc chụm lại, cắm vào giữa một chiếc gậy tre làm thành chổi quét sân, quét ngõ cho bà không phải cúi mỏi lưng. Mo cau ép phẳng, cắt thành những chiếc quạt vừa bền vừa mát. Ngày hè, dòng nước mưa từ thân cau được hứng bằng những tàu cau chảy vào bể dường như mát ngọt và thơm hơn như được ướp hương hoa. Đối với đám trẻ con nông thôn, mấy ai chưa từng một lần ngồi lên chiếc xe mo cau để chúng bạn kéo đi khắp sân và cười giòn giã khi đứa bạn tuột tay làm ngã lăn ra đất. Sướng nhất là được ăn cơm nắm mo cau, bởi món này ngày thường đâu phải cứ thích là có ngay. Chỉ khi nhà có người đi đâu xa hoặc vào lúc mùa vụ, công việc nhà nông bận rộn, cánh thợ cấy, thợ cày, thợ gặt tranh thủ làm, không kịp về ăn cơm trưa thì các bà, các mẹ mới làm cơm nắm. Người quê vốn tiết kiệm, bản tính lại chu đáo, hay lo xa, sợ người thân khi có việc đi đâu lỡ độ đường phải cơm hàng cháo chợ nên có mo cơm nắm vừa lành dạ, vừa yên tâm. Dạo ấy, các dì tôi đi học trường trung cấp Sư phạm cách nhà mấy chục cây số, lần nào về quê lên trường cũng được bà ngoại đùm dúm cho gói cơm nắm mo cau. Từ sáng tinh mơ, bà đã trở dậy, nhóm bếp nấu cơm. Những chiếc mo cau trắng ngà được cắt vừa vặn với lượng cơm cần nắm. Trong lúc chờ cơm chín, bà rang chảo muối vừng, ngồi giã kỳ cạch. Cơm vừa chín tới, mở vung nồi tỏa hương thơm nức, bà nhanh tay xới vào mo cau, cuộn hai đầu lại rồi dùng sức vò và nén chặt cho đến khi những hạt cơm quyện với nhau thành khối hình trụ, chắc nịch như chiếc giò thì lấy dây chuối buộc bên ngoài cẩn thận. Các dì tôi đi cả chặng đường dài, khi giở mo cơm nắm ra vẫn còn dẻo thơm, ấm nóng. Chỉ việc lấy dao cắt từng khoanh mỏng, chấm với muối vừng là ấm bụng lên lớp.
Bây giờ, trên phố cũng có hàng cơm nắm muối vừng, bán cho những người mang theo những chuyến hành hương lễ Phật. Nhớ món quê một thuở, thỉnh thoảng ghé vào mua nắm cơm về ăn, nhưng không còn thấy ngon như trước. Có lẽ là do cuộc sống không còn thiếu thốn và cơm nắm thiếu hương vị dân dã của chiếc mo cau bọc ngoài, thiếu bàn tay tảo tần, tình cảm yêu thương của bà, của mẹ./.
Lam Hồng