Xã Giao Châu (Giao Thủy) là một trong những đơn vị dẫn đầu huyện về phong trào văn nghệ quần chúng. Hiện trên địa bàn xã có hàng chục CLB, tổ, đội văn nghệ sinh hoạt đa dạng các loại hình như: kèn đồng, nhạc dân tộc, trống, múa lân, hát chèo…
Hội trống “Các bà mẹ” xã Giao Châu tham gia lễ rước ở Đền thánh Sa Châu. |
Nghệ thuật đánh trống ở xã Giao Châu đã có bề dày truyền thống. Riêng làng Tiên Chưởng có 2 đội trống gồm: Đội trống hội nữ xóm Tiên Hưng và đội trống nam của làng. Năm 2014, đội trống hội nữ xóm Tiên Hưng được thành lập gồm gần 20 thành viên. Với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và tinh thần tự nguyện của mỗi hội viên, đến nay đội đã có đầy đủ trang phục, đạo cụ biểu diễn như áo dài, khăn xếp, trống lớn, trống con… Được sự hướng dẫn tận tình của tay trống kỳ cựu Trần Bá Giang cùng sự kiên nhẫn luyện tập của các thành viên, đội đã biểu diễn được nhiều bài trống nhuần nhuyễn. Đội thường biểu diễn các bài như: trống rước 18 nhịp, trống đón 4 nhịp, trống múa dùi và trống bái 120 nhịp… Mỗi bài có cách đánh và ý nghĩa khác nhau. Ở những sự kiện lớn, đội trống hội nữ Tiên Hưng thường biểu diễn bài trống với nội dung gồm 3 phần: tái hiện buổi mở đất dựng làng; thể hiện khí thế đánh giặc giữ nước; tái hiện giai đoạn xây dựng quê hương phát triển. Phần mở đầu tiếng trống vừa uyển chuyển vừa biến hóa linh hoạt, thu hút sự chú ý của người nghe. Tiếp đó, tiếng trống từng hồi cấp báo giặc xâm lăng tàn phá, trống ngũ liên vang lên ban hiệu lệnh xuất quân thúc giục người người lên đường ra trận giữ yên bờ cõi. Phần kết của bài là tiếng trống khải hoàn, nhộn nhịp thể hiện niềm vui non sông đất nước thái bình. Đội trống nam của làng có hơn 20 thành viên ở 4 xóm: Tiên Thủy, Tiên Thành, Tiên Hưng, Tiên Long chuyên phục vụ ở lễ hội đình, chùa Tiên Chưởng và các lễ hội ở địa phương. Hiện đội có 1 trống đại, 2 trống trung và 8 trống con. Trống lớn nhất bề mặt có đường kính trên 1,5m, cao 1,6m, 2 mặt trống bịt da trâu, được đóng bằng đinh tre. Trống hội của đội dùng trong nghi lễ đình làng gồm các bài như: Trống tiến rượu, trống tế, trống rước… Trong quá trình biểu diễn, các thành viên đánh trống giỏi như các bác: Hữu Lân, Văn Diệu, Văn Quyền có nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống… Bởi vậy trống hội Tiên Chưởng không chỉ có âm sắc hay mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Nhờ khả năng biểu diễn điêu luyện các bài trống, đội trống hội nam Tiên Chưởng đã được mời đi biểu diễn ở nhiều xã trong huyện. Ở xã Giao Châu hiện nay còn có hội trống “Các bà mẹ” thuộc Giáo xứ Sa Châu có số lượng trên 80 thành viên. Hội trống bên cạnh việc phục vụ các nghi lễ nhà thờ còn tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ lớn của đất nước. Cũng ở Giáo xứ Sa Châu, có 2 đội kèn gồm đội kèn nam và nữ. Đội kèn đồng nữ với 12 thành viên luôn tích cực đóng góp xây dựng đội kèn và hoạt động nền nếp. Đến nay, đội đã biểu diễn thuần thục nhiều bản nhạc như: “Quốc ca”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Ngoài biểu diễn trong các ngày lễ ở xứ đạo, đội còn tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Năm 2010, đội tham dự Liên hoan “Đèn trời” hòa nhạc ở Thành phố Nam Định đạt giải nhì; năm 2012, tham dự Hội thi nhạc kèn và đồng ca hợp xướng của tỉnh, đội kèn đồng nữ Sa Châu đạt giải ba... Vào dịp Lễ Phật đản ở chùa Tiên Chưởng, đội kèn đồng nữ Sa Châu có nhiều tiết mục biểu diễn, thể hiện tinh thần đoàn kết lương - giáo. Năm 2012, để góp phần đa dạng hóa các loại hình văn nghệ ở xã, ông Vũ Minh Hiển đã tập hợp gần 20 thành viên nữ có năng khiếu về âm nhạc thành lập đội nhạc dân tộc. Hiện nay, tại mỗi dịp lễ ở đình - chùa Tiên Chưởng đội đều tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân… Với họ đây vừa là sân chơi bổ ích, vừa để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ở loại hình ca - múa, hiện nay xã Giao Châu có các CLB hát ca khúc cách mạng, CLB văn nghệ phụ nữ, đội chèo xóm Tiên Thành, đội lân làng Tiên Chưởng, 12 tốp văn nghệ các xóm, đội văn nghệ Trường Tiểu học Giao Châu. Đồng chí Đỗ Huy Phổ, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Châu cho biết: Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở xã phát triển mạnh, thu hút sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Xã hiện có 7/12 nhà văn hóa xóm đạt tiêu chí NTM, các xóm còn lại đều đang xây dựng mới nhà văn hóa dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Nhiều cá nhân tâm huyết với phong trào văn nghệ của địa phương, tiêu biểu như: bà Cao Thị Lan, ông Cao Xuân Đà, ông Vũ Minh Hiển, ông Mai Văn Biên, ông Đỗ Huy Nhiệm… Để động viên, khích lệ phong trào, hằng năm xã đều tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán...
Là điểm sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Giao Thủy, các CLB, tổ, đội văn nghệ ở Giao Châu đã phát huy hiệu quả hoạt động; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư