Vụ Bản là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, mỗi làng quê trong huyện đều mang đậm dấu ấn văn hoá đặc sắc còn in đậm ở những tên đất, tên làng đang được bảo vệ, lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Làng Quả Linh, xã Thành Lợi có tên là làng Gạo vì có chợ bán nhiều gạo. Tương truyền, làng Gạo xưa là một kho lương của nhà Trần. Đền làng Gạo thờ vị thần đã có công giúp dân cày cấy và 18 vị tổ các họ đến lập ấp từ thời Hùng Vương. Thời xưa, đền vừa là nơi thờ tự, nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp, bàn bạc việc xóm làng. Hội chính của làng diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm với lễ thượng điền, hạ điền, lễ thường tân (cơm mới) với các hoạt động: tế thần, rước kiệu. Trước ngày chính hội, làng chuẩn bị đóng rạp, kéo cờ, tập tế, kén trai gái rước thần, rước tổ. Đặc sắc nhất là đám hát làng Gạo với nhiều trò chơi dân gian phong phú, vừa mang tính trí tuệ, vừa mang tính dân dã, ai cũng có thể tham gia. Theo các bài dân ca còn lưu truyền trong dân gian, đám hát làng Gạo đã có từ thời Trần. Từ mồng 8 đến 18-3 (âm lịch), các hoạt động đàn hát, vui chơi diễn ra thu hút đông đảo dân làng tham gia. Với ý nghĩa của một lễ hội ăn mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông có từ thời Trần, hội làng Gạo cũng là nơi hội tụ nhiều cuộc thi mang tính văn nghệ như: Thi đọc mục lục, thi hát chèo, hát chầu văn trong đình, thi dệt vải, thi đánh cờ đèn dưới nước. Đặc sắc nhất là thi hát trống quân diễn ra vào dịp lễ hội tháng 3 và Tết Trung thu ở sân đình và thi thả thơ. Đây là trò vui tao nhã mang tính trí tuệ của giới sĩ phu văn thân đương thời. Ban giám khảo gồm các bậc khoa cử trong làng hoặc địa phương khác được mời tham gia. Các cụ ra những vế câu đối để người thi bắt và đối lại hoặc ra đề bài thi làm thơ bát cú, tứ tuyệt, bài phú... Ngoài ra, hội làng Gạo còn có nhiều trò vui như: chơi tam cúc điếm, múa rồng mây, thi đua thuyền chở lương, chơi đu, múa kiếm, múa roi, vật, múa sư tử… với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và hoạt động vui chơi. Từ đó đến nay, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, lễ hội làng Quả Linh lại diễn ra đông vui, tấp nập, thu hút hàng nghìn người trong làng tham gia và du khách khắp nơi về dự.
|
Thi đấu Vật trong lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi. Ảnh: Viết Dư |
Cùng với các giá trị văn hóa được lưu giữ qua các lễ hội, các địa phương ở huyện Vụ Bản còn bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa bằng cách duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ. Người dân trong làng phải tuân theo các quy định về giữ gìn thuần phong mỹ tục thông qua việc thực hiện hương ước. Chính những yếu tố đó đã tạo ra sự gắn bó và cấu kết bền chặt của cộng đồng dân cư ở các làng thôn, hình thành những nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt, ứng xử, tín ngưỡng tâm linh. Tại thôn Chinh, xã Trung Thành; làng Tân Cốc, xã Tân Thành; làng Bách Cốc, xã Thành Lợi…, nhiều thuần phong mỹ tục truyền thống vẫn được duy trì qua việc thực hiện hương ước; những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội được đề cao. Những tục lệ đầu năm như: Lễ động thổ, tục lệ trong đêm Trừ tịch, lễ Khai hạ, lễ Thần nông, lễ Tịch điền, lễ Thượng Nguyên hay cúng Rằm tháng Giêng, cúng Thổ công cũng được nhân dân ở các địa phương lưu giữ, bảo tồn. Ở thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận hiện còn lưu truyền lệ “trục quyên” (bắt đuổi cuốc) làm lễ tế thần đầu năm; lễ tịch điền cúng Thần Nông - Hậu Tắc bằng ba chân giò dựng đứng trên đặt một miếng thịt dài tượng trưng cho bộ gầu sòng tát nước. Những thuần phong mỹ tục và các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở xã Minh Thuận vẫn được bảo lưu qua các hương ước, các lệ làng, các tập tục trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội... Tại xã Vĩnh Hào, những thuần phong mỹ tục và các sinh hoạt văn hóa xã hội lâu đời vẫn được bảo lưu qua các hương ước, các lệ làng, các tập tục trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, đình đám. Làng Hồ Sen còn có tục lệ khi con gái về nhà chồng, bố mẹ sẽ cho một con dao chẻ nan, ý nói về nhà chồng vẫn không quên nghề đan lát tảo tần. Làng Vĩnh Lại hiện còn giữ nhiều tín ngưỡng nguyên sơ như tục thờ bản thổ thành hoàng. Ở làng vào ngày Tết, ngày hội làng, mọi nhà đều dùng rơm bện lại quấn quanh cây tre, cây bương để làm cây nêu, hay cắm cột treo đèn, treo cờ dọc đường lễ hội rước qua và làm cổng chào bện bằng rơm trong ngày lễ hội. Đây là một mỹ tục độc đáo với ý nghĩa nhắc nhở con cháu biết quý trọng những sản phẩm từ nông nghiệp. Làng còn giữ được tục rước đuốc đêm giao thừa để tưởng nhớ vị tướng Phạm Phúc Quảng và quân sĩ đánh thắng giặc Chiêm Thành. Xã Kim Thái là địa phương còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc về tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục chọn gà luộc cúng Thành Hoàng làng được tổ chức vào thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới tại đền Thượng trên núi An Thái và tục cúng gà tại thôn Tiên Hương thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong lễ hội hằng năm tại Phủ Dầy, phần lễ thường diễn ra các hoạt động tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc; phần hội có thi hát chầu văn, hoa trượng hội, thả rồng bay, múa lân sư rồng, thi đấu các môn thể thao truyền thống như vật, cờ người, múa rối nước. Trong đó môn thể thao cờ người tại Phủ Vân Cát thường gắn liền với sự phát triển của phong trào cờ tướng ở các xã, thị trấn trong huyện. Được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, vào các ngày lễ, tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, dịp mừng thọ, Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6-6), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10)… Bên cạnh đó, trong các lễ hội làng truyền thống như hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi; hội làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào; lễ hội đền Giáp Nhất, xã Quang Trung, lễ hội phủ Giáp Ba, xã Quang Trung… môn thể thao cờ người đã được đưa vào thi đấu, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại ở Vụ Bản đã tạo động lực để các địa phương tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, thúc đẩy cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh./.
Khánh Dũng