Nét đẹp văn hoá dòng họ ở Hải Hậu

09:05, 13/05/2016

Hải Hậu là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với công lao của các vị “Tứ tổ cửu tộc” cùng các dòng họ trong huyện. Trải qua bao thế hệ, những nét đẹp văn hoá dòng họ ở Hải Hậu đang được gìn giữ, phát huy, góp phần tạo nên truyền thống văn hóa làng xã tại các địa phương trong huyện với những giá trị giàu bản sắc như: di tích từ đường, nhà thờ họ, phần mộ tổ; tổ chức lễ mừng thọ; lập ban khuyến học, tủ sách dòng họ, biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện quy ước dòng họ…

Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh từ đường thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể, xã Hải Phúc.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh từ đường thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể, xã Hải Phúc.

Huyện Hải Hậu hiện có trên 800 dòng họ với gần 100 di tích từ đường; trong đó có 13 từ đường dòng họ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Tiêu biểu là từ đường các dòng họ: thủy tổ Vũ Chi, thủy tổ Phạm Cập, xã Hải Anh; thuỷ tổ Trần Vu, thuỷ tổ Hoàng Gia, xã Hải Trung; thuỷ tổ Trần Quốc Thể, xã Hải Phúc; họ Nguyễn Giữa, xã Hải Hà; họ Nguyễn, xã Hải Sơn; họ Lâm xã Hải Lộc… Đối với mỗi dòng họ ở Hải Hậu, các từ đường có vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi thành viên. Từ đường là nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ, những người có công với quê hương, đất nước, những người đã đóng góp công lao trong công cuộc khai hoang, lấn biển, dựng xây vùng đất “Quần Anh xưa”, đồng thời cũng là nơi để con cháu tề tựu trong ngày giỗ tổ, bày tỏ lòng thành kính trước ông bà, tổ tiên và cũng là nơi bàn bạc những công việc chung của dòng họ. Người trưởng họ tộc thường được vinh dự giao trách nhiệm thờ cúng tổ tiên và dòng tộc, gìn giữ nền nếp gia phong và đứng đầu trong các sự kiện và nghi thức của dòng họ. Đây cũng là truyền thống văn hóa vốn có bao đời của các dòng họ. Mặc dù cách thức tổ chức cúng giỗ tổ trong mỗi dòng họ tuy có đôi chút khác nhau, nhưng đều mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ sau này. Trong ngày giỗ họ, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất. Đây cũng là dịp để các chi xa, chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống… Hiện nay, các di tích từ đường đều lưu giữ được khối kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và niềm tự hào truyền thống của con cháu trong dòng họ. Tại di tích hiện lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật như: Sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự… ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ và những điều răn dạy của tổ tiên với con cháu đời sau. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa từ đường, con cháu ở các dòng họ đã tự nguyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Tại xã Hải Anh, 3 năm qua con cháu dòng họ Vũ Chi tự nguyện đóng góp xây mới tường bao, lát sân gạch, nhà bia với kinh phí trên 100 triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay, con cháu họ Nguyễn đã đóng góp hàng trăm triệu đồng tu sửa tiền đường, xây mới trung đường, hậu đường và lâu các… Việc trông coi bảo vệ ở các từ đường dòng họ được thực hiện đúng theo quy ước của từng dòng họ và quy định của pháp luật. Tại từ đường Vũ Chi con cháu dòng họ gồm 53 ngành sinh sống khắp mọi miền đất nước. Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng; ngày 13 đến 15-3 âm lịch và ngày Đông chí, con cháu trong dòng họ lại về dâng hương báo công tiên tổ. Tại từ đường họ Nguyễn, xã Hải Sơn, hằng năm, vào 14, 15 tháng Giêng con cháu dòng họ tập trung ở từ đường làm lễ dâng hương, tế tổ. Vào ngày giỗ tổ 16 và 17 tháng 11 âm lịch, dòng họ tiến hành phát thưởng khuyến học, khuyến tài động viên con cháu học tập tiến bộ. Các di tích từ đường ở Hải Hậu hiện nay ngoài việc là nơi thờ tự các vị thủy tổ, còn là những “bảo tàng” nhỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu tiếp tục góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo các di tích từ đường, hằng năm, nhiều dòng họ trên địa bàn huyện đã nhận thức đúng về vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ, thông qua việc bổ sung những hành động thiết thực vào “việc họ” như lập ban khuyến học, xây dựng tủ sách dòng họ tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Dòng họ Nguyễn, xã Hải Thanh là dòng họ hiếu học tiêu biểu của huyện. Ban khuyến học dòng họ Nguyễn được thành lập từ năm 1999 với 13 thành viên. Mỗi năm dòng họ tổ chức phát thưởng khuyến học vào ngày chủ nhật tuần cuối cùng của tháng 8. Đến nay Ban khuyến học dòng họ đã phát thưởng cho trên 1.500 lượt cháu có thành tích xuất sắc trong học tập với kinh phí gần trăm triệu đồng. Bình quân mỗi năm có 55-60 cháu được phát thưởng. Nhờ đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, đến nay dòng họ Nguyễn có đến 103 cử nhân, trong đó có 1 tiến sĩ và 8 thạc sĩ... Dòng họ Nguyễn được UBND huyện công nhận là dòng họ có phong trào khuyến học xuất sắc 12 năm liên tục và vinh dự được nhận Bức trướng “Khuyến học - khuyến tài” 5 năm liền. Phong trào dòng họ hiếu học ngày càng phát triển sâu rộng, các hoạt động khuyến học trong các dòng họ ở Hải Hậu đang ngày càng được phát huy. Đến nay, toàn huyện có hơn 800 dòng họ có ban khuyến học; 169 dòng họ được công nhận là “Dòng họ văn hoá - Dòng họ hiếu học”; 17 nghìn gia đình hiếu học, trong đó có 67 dòng họ được UBND huyện tặng Bức trướng “Khuyến học - khuyến tài”, 80% tổng số dòng họ đã thành lập được tủ sách dòng họ. Các ban khuyến học các dòng họ có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả góp phần gắn kết gia đình với xã hội. Tất cả các con cháu trong dòng họ ở độ tuổi đi học đều được đến trường, không có học sinh bỏ học, không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật. Các thành viên trong dòng họ đều tự giác học tập thường xuyên dưới nhiều hình thức, đồng thời tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tích cực tham gia và thực hiện tốt 5 nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Cùng với công tác khuyến học, khuyến tài, các dòng họ ở Hải Hậu còn có nhiều việc làm thiết thực như: biên soạn, bổ sung gia phả, họp mặt nhận họ, tổ chức các hoạt động giỗ tổ, tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá công lao của thành viên trong dòng họ với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng NTM. Ở mỗi địa phương trong huyện, các dòng họ đang giữ vai trò quan trọng giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, đồng thời là chủ thể giải quyết kịp thời và có hiệu quả các xích mích bất hòa và tham gia vào những công việc chung như: cưới xin, tang lễ, hoạn nạn hay xây dựng nhà cửa của các thành viên trong dòng họ, qua đó tăng cường mối gắn kết trong dòng họ với cộng đồng làng xã, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các công trình thờ các danh nhân của các gia tộc, dòng họ.

Giá trị văn hoá truyền thống làng xã với những nét đẹp văn hoá dòng họ ở Hải Hậu luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây, cần được các cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng nhân dân quan tâm bảo tồn và phát huy, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com