Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Hải Hậu luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; tạo điều kiện để các tổ, đội, CLB văn nghệ, thể thao truyền thống phát triển, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Toàn huyện hiện có hàng trăm tổ, đội, CLB văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống, tiêu biểu như: Đội trống cà rùng ở xã Hải Phương, Thị trấn Yên Định; CLB múa lân, sư, rồng ở các xã Hải Hưng, Hải Đông, Hải Trung, Hải Anh; đội cà kheo ở các xã Hải Lý, Hải Triều, CLB bơi chải ở các xã Hải Hà, Hải Tân, Thị trấn Cồn, CLB hát chèo ở các xã Hải Thanh, Hải Long, Hải Châu…
CLB múa lân, sư xã Hải Hưng biểu diễn trong Ngày hội văn hoá - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu năm 2015. |
Các tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống đã tập hợp nhiều cá nhân là hạt nhân văn nghệ có khả năng sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn; nhiều “giọng hát hay, tay đàn giỏi” ở khắp các thôn, xóm trong huyện từng nhiều lần đạt giải tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực. CLB văn nghệ xã Hải Thanh được tái lập năm 1995, có gần 30 thành viên tham gia sinh hoạt với các “hạt nhân” văn nghệ như các bác, các anh, chị: Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Tươi, Kim Thêu, Hồng Hạnh, Trần Huệ, Văn Tuyến… CLB trở thành sân chơi bổ ích đối với những người đam mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đến nay, CLB đã dựng và biểu diễn được nhiều vở chèo cổ với dàn kịch mục dày dặn, có nội dung sâu sắc, gồm các vở: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Gieo gió gặt bão”, “Quai đê lấn biển” và các hoạt cảnh chèo đề tài hiện đại, phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt của người dân nông thôn. Ngoài ra, nhiều thành viên trong CLB văn nghệ xã đã thể hiện nhuần nhuyễn các bài hát văn như: “Nam Định quê tôi”, “Hội làng”… với giai điệu vui tươi, trong sáng, có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước... Hằng năm, CLB văn nghệ xã Hải Thanh đã tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh và giành nhiều giải A. Ở Hải Hậu, nghệ thuật múa lân, sư, rồng đã có truyền thống gần 100 năm. Từ xưa các tốp, đội múa lân, sư, rồng đã thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân vào các dịp hội làng. CLB múa lân, sư xã Hải Hưng được thành lập năm 2000 với 22 thành viên. Mỗi tháng một lần, CLB lại tập hợp các thành viên, tất bật tập luyện, sẵn sàng phục vụ nhân dân địa phương. Hằng năm, vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, lễ mừng thọ đầu xuân, lễ hội truyền thống tại làng diễn ra nhiều trò chơi dân gian, trong đó không thể thiếu tiết mục múa lân, sư. Trong các tiết mục biểu diễn, CLB đã thể hiện được nhiều điệu múa khó kết hợp với những thế võ độc đáo như: Ngũ Phúc Lâm môn, Tứ Quý Hưng Long… phối hợp các động tác nhịp nhàng với tiếng trống. Hiện nay, ngoài phục vụ các dịp lễ hội, các chương trình kỷ niệm ngày lễ lớn trên địa bàn xã, CLB múa lân, sư, rồng xã Hải Hưng còn được mời tham gia biểu diễn ở nhiều xã, thị trấn trong huyện. Nghệ thuật cà kheo ở Hải Hậu được bắt nguồn từ chính hoạt động sản xuất của người lao động. Ngay từ những năm 1960, ở một số địa phương của huyện, người dân đã tổ chức đi cà kheo biểu diễn những tiết mục múa lân, múa rồng, đấu kiếm, võ vật... trong các lễ hội truyền thống của địa phương. Hiện nay, nghệ thuật đi cà kheo được nhân dân các xã Hải Lý, Hải Triều khôi phục và phát triển. Mỗi đội cà kheo có từ 25-30 người, thường xuyên biểu diễn nhiều tích trò phong phú, đa dạng. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đội cà kheo ở các địa phương thường xuyên tham gia biểu diễn, thu hút đông đảo nhân dân cổ vũ. Nghệ thuật trống cà rùng là môn nghệ thuật truyền thống được duy trì ở Thị trấn Yên Định và xã Hải Phương, riêng xã Hải Phương có 4 đội trống cà rùng. Mỗi đội trống có 50-70 người, trong đó 1 người đánh trống cái, 30-50 người đánh trống con, 10 người đánh cồng, 10 người chơi lá bạc, 10 người múa gậy, phụ họa, thổi còi nhịp, đẩy trống cái. Từ nhiều năm qua, âm vang của tiếng trống đã vượt khỏi khuôn viên trong sinh hoạt tại các nhà thờ Công giáo để tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Trong ngày hội, những âm thanh hùng tráng, rền vang từ các đội trống cà rùng như nhân lên lòng tự hào của nhân dân trong huyện với truyền thống văn hóa đặc sắc ở miền quê biển. Do số lượng trống nhiều nên mỗi khi đội trống hòa tấu thì âm thanh vang vọng và có sức cổ vũ lớn. Ở Hải Hậu còn có thế mạnh về nhạc cụ kèn đồng với trên 100 đội kèn ở các xứ, họ đạo, mỗi đội gồm 35-40 nhạc công. Tiêu biểu như đội kèn đồng nữ xã Hải Bắc được thành lập năm 2010, với 46 thành viên đã tự sáng tác và dàn dựng nhiều chương trình hợp xướng kèn đồng, trong đó thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hoá - xã hội của địa phương. Đã thành truyền thống, hằng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, huyện Hải Hậu lại sôi nổi tổ chức Ngày hội văn hoá - thể thao truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương; trong đó, hàng nghìn diễn viên, vận động viên của 35 xã, thị trấn và cơ quan tham gia tranh tài ở các môn thể thao như: bơi chải, bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng… Trong ngày hội văn hoá - thể thao ở Hải Hậu, các hoạt động diễn ra đồng bộ từ công tác tuyên truyền đến các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu các môn thể thao. Ngoài các môn thi đấu thể thao, các xã, thị trấn còn đem đến những tiết mục hát chèo, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đi cà kheo, múa lân, sư, rồng, trống cà rùng, kèn đồng... Các tiết mục biểu diễn đều sinh động, lôi cuốn hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân địa phương về dự hội.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các loại hình nghệ thuật văn hoá truyền thống, thời gian tới, các địa phương trong huyện cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị cho các tổ, đội, CLB văn hoá truyền thống. Trung tâm VH-TT-TT huyện cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thành viên các tổ, đội, CLB văn hoá truyền thống. Các địa phương cần động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian, các thành viên tổ, đội, CLB hăng say tập luyện nhằm duy trì và phát triển các hoạt động văn hoá truyền thống ở các địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng