Ảnh minh hoạ/ Internet |
Ngày ấy, những hôm mưa dầm thế này, bọn trẻ chúng tôi cũng chẳng chịu ngồi yên một chỗ. Vừa buồn miệng, vừa buồn chân tay, mấy đứa vòi vĩnh mẹ xin ít gạo, đường, ngô nếp, đỗ xanh rồi í ới rủ nhau đi nổ ống. Chúng tôi đội mưa mà đi, bất chấp đường làng lầy lội, trơn trượt phải bấm ngón chân, dò từng bước kẻo “vồ ếch” như chơi. Nhà bác xát gạo kiêm nổ ống ở tận cuối làng, ngày mưa càng vắng vẻ. Nghe tiếng bọn trẻ ríu rít từ xa, bác đã mở cửa đợi sẵn. Ngày ấy xăng dầu còn đắt đỏ, thường thì khi có đông người đến xát gạo hoặc nổ ống, bác mới bõ công khởi động máy, nhưng với lũ trẻ con thì luôn có sự ưu tiên. Trong lúc bác khởi động máy, chúng tôi nhanh chóng đổ đường, ngô, gạo, đỗ vào chiếc chậu nhôm. Bác trộn thật đều các nguyên liệu rồi đổ vào một đầu máy loe ra như cái phễu. Trong tiếng máy chạy xình xịch vui tai, một lát sau, ở đầu máy bên kia, những ống gạo thuôn dài, màu trắng ngà đã chảy ra, còn nóng bỏng và bốc khói nghi ngút. Bác nhanh tay cắt ống gạo thành từng đoạn, cho vào thúng trong ánh mắt háo hức của lũ trẻ. Biết được sự sốt ruột của chúng tôi, bác lấy cho mỗi đứa một chiếc thưởng thức trước. Những ống gạo vừa ra khỏi máy còn giòn tan, chỉ chạm nhẹ tay cũng vỡ. Cắn miếng ống gạo giòn rụm, ngậm một chút trong miệng, thấy thấm đẫm hương thơm, vị bùi, dẻo của ngô nếp và đậu xanh đồng bãi. Chờ cho ống gạo nguội bớt, khỏi bị hấp hơi, bác xát gạo mới xếp ngay ngắn lại, bọc cẩn thận bên ngoài bằng túi bóng rồi cho vào bao để chúng tôi xách về. Dù nguyên liệu góp nhiều hay ít nhưng khi chia, đứa nào cũng được một phần đều nhau nên ai cũng thấy vui. Những hôm trời mưa, nằm cuộn tròn trong chăn, cắn ống gạo kêu rôm rốp đã trở thành một kỷ niệm khó quên của đám trẻ quê nghèo chúng tôi. Và chúng tôi vừa ăn, vừa mong trời mưa dầm thật lâu để có cớ xin gạo đi nổ ống.