Trên địa bàn huyện Hải Hậu hiện có 35 ngôi đền cổ với nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Trong đó có 4 di tích được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu là: Đền Thuỷ tổ (xã Hải Anh); đền Xã Hạ (xã Hải Bắc); đền Bảo Ninh (xã Hải Phương); đền An Trạch (xã Hải An); đền Thiên Biên (xã Hải Thanh); đền An Phú (xã Hải Phong)…
Đền An Phú, xã Hải Phong được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2006. |
Những ngôi đền cổ ở Hải Hậu từ lâu đã mang trong mình vẻ trang nghiêm với nhiều nét văn hoá bản sắc truyền thống của các vùng quê trong huyện. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các ngôi đền cổ ở Hải Hậu còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Mảnh đất Xã Hạ xưa (Hải Bắc nay) có tên là Quần Anh Hạ - Cái nôi của công cuộc khai hoang lấn biển, từ hơn 5 thế kỷ trước. Cùng với việc mở mang đất đai, phát triển sản xuất, các tổ khai sáng đã xây dựng đền Xã Hạ để chăm lo đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân. Theo bia ký còn lưu lại thì vào mùa thu năm Gia Long thứ 3 (1804) người dân nơi đây đã khởi công xây dựng đền. Đây là công trình được xây dựng sớm và đẹp nhất vào thời bấy giờ. Đền chính thờ Quốc Mẫu Vương, bà Dương Thái Hậu và các vị thánh, các bậc tiên hiền khác gồm ba toà, toà tiền đường năm gian, cung đệ nhị 3 gian và chính trẩm 4 gian cuốn vòm, được thiết kế theo kiểu “tiền Nhất hậu Đinh”. Tại đền hiện còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều di vật, hiện vật có giá trị, tiêu biểu như: hương án và kiệu bát cống sơn son thếp vàng lộng lẫy theo kiến trúc thời Nguyễn và các bức đại tự, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị... Đền An Trạch (xã Hải An) là di tích được Bộ VH, TT và DL công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 2014. Đền là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, đồng thời phối thờ các vị tổ lập làng, những người đã theo Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân dân khẩn hoang lập nên làng An Trạch. Căn cứ vào nguồn tư liệu Hán - Nôm tại đền và qua khảo sát các loại vật liệu kiến trúc cho thấy ngôi đền từng được tổng trùng tu vào năm 1921, đời Vua Khải Định. Từ đó đến nay, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc nguyên mẫu với các hạng mục: Nghi môn, sân đền, miếu thổ thần, nhà bia, phủ Mẫu, giải vũ, nhà từ và công trình kiến trúc trung tâm, tạo thành một chỉnh thể mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Ngoài vẻ đẹp và quy mô kiến trúc, đền còn bảo lưu được 3 đạo sắc phong triều Nguyễn, bao gồm: Đạo sắc phong niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911) và 2 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Cùng với các đạo sắc phong, đền còn bảo tồn được bia đá cổ với 6 chữ đại tự “Hậu thổ thần miếu bi minh” khắc trên bia. Tín ngưỡng thờ các vị thần tại đền An Trạch đã tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người đi khai hoang dựng xây quê mới của nhân dân địa phương lúc bấy giờ. Đền Bảo Ninh (xã Hải Phương) là di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tứ tổ khai sáng vùng đất Quần Anh xưa: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cùng cửu tộc khai cơ: Lại, Nguyễn, Lê, Đỗ, Bùi, Phan, Đoàn, Trần, Vũ. Ngoài ra, đền còn thờ Dinh Điền sứ - Tiến sĩ Đỗ Tông Phát, người có công khai khẩn Tổng Quế Hải (một trong 4 tổng ngày đầu thành lập huyện Hải Hậu, năm 1888). Đền được xây dựng trên một khu đất có diện tích 3.600m2 mặt quay về hướng tây. Khu chính của đền gần 30 gian bao gồm Toà tiền đường, toà chữ “Công”, nhà thờ Tổ, phủ Mẫu. Tất cả đều có kiến trúc độc đáo, chạm nổi cách điệu lá lật, long chầu mặt nguyệt, hổ phù, rồng bay, phượng múa, hoa lá, lưỡng long chầu nguyệt..., thể hiện tài nghệ điêu khắc độc đáo của các nghệ nhân xưa. Cùng với Đền Bảo Ninh và Đền An Trạch, Đền An Phú (xã Hải Phong) cũng là di tích thờ tự, tri ân công đức Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đồng thời còn phối thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778-1858), người có công tổ chức công cuộc khai hoang lập nên Tổng Ninh Nhất vào năm 1829 (nay là các xã Hải Phong, Hải Toàn, Hải An huyện Hải Hậu) và Tổ lập làng Trần Xuân Khánh (Trần Trung Khánh) - người đã giúp Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân dân khai khẩn đất hoang lập nên ấp An Phú (nay là thôn An Phú, xã Hải Phong). Tín ngưỡng thờ các vị tại ngôi đền vừa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần tạo nên tinh thần tương thân, tương ái, vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng vùng quê ven biển ngày thêm giàu đẹp. Năm 2006, Đền An Phú được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Không chỉ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, những ngôi đền cổ ở Hải Hậu còn là những di tích liên quan đến lịch sử cách mạng, kháng chiến. Trong những năm 1946-1947, tại thôn An Phú, xã Hải Phong, Ban bình dân học vụ đã chọn đền An Phú làm nơi mở các lớp học dạy chữ quốc ngữ. Ngày 10-7-1947, chi bộ Đảng của xã Phúc An xưa (Hải Phong ngày nay) được thành lập, chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Đền An Phú trở thành cơ sở hội họp của các tổ chức quần chúng và là nơi luyện tập của lực lượng dân quân du kích trong thôn. Cuối năm 1947, đền được sử dụng làm nơi sinh hoạt, làm việc của nhiều cơ quan của huyện và của tỉnh và là cơ sở hoạt động của các cán bộ bí mật để gây dựng phong trào cách mạng huyện Hải Hậu. Đặc biệt, đền còn là nơi đóng quân của Đại đội 28 và Trung đoàn 46 - Bộ đội tỉnh. Ngày nay trong khuôn viên đền vẫn còn lưu giữ dấu vết của căn hầm bí mật trước kia. Tại xã Hải Phương, đền Bảo Ninh là cơ sở cách mạng của Tỉnh ủy, Huyện ủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây thường xuyên tổ chức các cuộc họp bí mật của tỉnh, huyện và là điểm tập kết của lực lượng bộ đội, dân quân du kích trong trận đánh bốt Văn Đàn và Đông Biên. Tháng 8-1953, khi giặc Pháp quay trở lại chiếm đóng nhà tràng Đông Biên lần thứ 2, đền Bảo Ninh là nơi tập trung lực lượng dân quân du kích để trực chiến, chặn đánh các cuộc càn quét, cướp phá của địch; đồng thời còn tổ chức cứu chữa thương binh, mai táng bộ đội và du kích hy sinh. Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, đền được Huyện uỷ Hải Hậu dùng làm địa điểm mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, tổ chức kết nạp đảng viên mới. Trong những năm 1963-1964, đền trở thành trụ sở làm việc, hội họp của HTX, sau đó dùng làm trường học cho con em địa phương…
Để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công với quê hương, hằng năm, tại các di tích, nhân dân địa phương nô nức mở hội truyền thống. Trước ngày hội, các gia đình trong các xóm sửa sang nhà cửa, đường dong, ngõ xóm để đón khách thập phương và con em xa quê ở khắp mọi miền đất nước về dự hội. Tại đền Xã Hạ (xã Hải Bắc), lễ hội được chia làm hai kỳ. Ngày mùng 6, tháng Giêng âm lịch là ngày nhân dân địa phương kỷ niệm các liệt tổ đã đặt chân tới mảnh đất này. Ngoài tế lễ, rước kiệu, trong ngày hội nhân dân còn tổ chức các trò vui như thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm; đặc biệt là thi hát chèo, hát ả đào. Sau kỳ lễ hội đầu tháng Giêng, trong các ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch, địa phương lại tổ chức kỳ lễ hội thứ hai và đây được coi là kỳ lễ hội chính trong năm. Trong những ngày diễn ra lễ hội ngoài việc tụng kinh, tế lễ, nhân dân địa phương còn tổ chức rước kiệu Phụng nghinh Thánh và tổ chức các trò vui chơi, giải trí, như: Tam cúc, đấu cờ, múa sư tử, chọi gà, bơi thuyền và hát chèo trên sông... mang màu sắc văn hóa quê hương và tinh thần thượng võ của dân tộc. Lễ hội truyền thống tại đền An Trạch (xã Hải An) cũng được diễn ra vào 2 mùa trong năm là tháng Giêng và tháng 8 âm lịch. Trong lễ hội có các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian như: Dâng hương, tế, rước kiệu, chọi gà, leo cầu ngô... Lễ hội Đền An Phú (xã Hải Phong) ngày 20-8 âm lịch và lễ hội Đền Bảo Ninh (xã Hải Phương) ngày mùng 10-3 âm lịch hằng năm diễn ra các nghi lễ tế, rước truyền thống và các hoạt động vui chơi, giải trí, các trò chơi dân gian như: cờ tướng, tổ tôm điếm, múa sư tử, hát chèo, hát văn, ngâm thơ trước cửa đền…
Nhiều năm qua những ngôi đền cổ ở Hải Hậu đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trùng tu, tôn tạo, thành lập ban quản lý di tích để góp phần gìn giữ phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng