Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Hải Phúc (Hải Hậu) đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, chấp hành nghiêm túc quy ước “Nếp sống văn hoá”, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội.
Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở xã dần đi vào nền nếp. Hiện tại, cả 15 xóm của xã đã xây dựng hương ước với nội dung bám sát quy chế nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các phong trào “Tuổi trẻ sống đẹp”, “Cưới theo nếp sống mới” do Đoàn xã phát động được các đoàn viên thanh niên nhiệt tình hưởng ứng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới. Đến nay, các xóm đều đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào quy ước nếp sống văn hóa của địa phương, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại làng văn hóa, gia đình văn hóa. Theo số liệu của Ban văn hoá xã, từ năm 2015 đến nay, toàn xã có gần 100 đám cưới đều thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, một số đám cưới tổ chức theo hình thức tiệc trà, báo hỉ... Nhiều nghi thức như: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi trước lễ thành hôn được giản lược những nghi lễ rườm rà nhưng vẫn bảo đảm trang trọng, truyền thống của địa phương. Ở các xóm, lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trước ngày cưới 1-3 ngày; lễ đón dâu được tổ chức trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, địa phương và sự tiến bộ chung của xã hội. Các đám cưới diễn ra văn minh, lành mạnh, gọn nhẹ, tiết kiệm, hạn chế việc ăn uống linh đình lãng phí. Các đám tang trên địa bàn xã được tổ chức trang nghiêm, không có sự phân biệt giàu, nghèo; nghiêm cấm tình trạng rải vàng mã dọc đường đưa tang… Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, nghĩa trang nhân dân xã được xây dựng theo quy hoạch, đồng thời thực hiện các quy định của UBND xã về việc xây cất mộ. Xóm 11 là đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện quy ước nếp sống văn hoá. Những năm qua, phần lớn các đám cưới trên địa bàn xóm được tổ chức theo nếp sống văn minh với các quy định như: Các đôi nam nữ trong xóm đủ tuổi kết hôn khi đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn phải nộp đủ giấy tờ theo quy định và có xác nhận của trưởng xóm; trong các đám cưới hạn chế mời thuốc lá; cỗ cưới được quy định không quá 30 mâm, không ăn cỗ dài ngày; không bật nhạc quá to, quá khuya gây mất trật tự công cộng; không sử dụng pháo sáng làm ảnh hưởng tới môi trường và nguy cơ cháy nổ. Việc tổ chức đưa đón dâu chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... Ngoài ra, một số nét đẹp văn hóa đã hình thành trong các đám cưới như: trước đám cưới, cô dâu, chú rể đến từ đường, nhà thờ tổ thắp hương…
Làng văn hoá xóm 7, xã Hải Phúc. |
Là vùng đất giàu truyền thống văn hoá với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử - văn hoá, đình chùa, nhà thờ, từ đường dòng họ; trong đó, có di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Chùa Hà Lạn và 2 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh là: Đền An phủ xứ Vũ Duy Hoà và Từ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể. Giá trị các di tích là những yếu tố cấu thành nên văn hoá đặc trưng của “hồn làng” và cũng là yếu tố quan trọng để mỗi người dân Hải Phúc kế thừa và phát triển trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá. Thời gian qua, việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn xã được thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm. Việc quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục. Để tăng cường quản lý và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thời gian qua xã đã tổ chức các hội nghị triển khai Pháp lệnh Tôn giáo, tín ngưỡng đối với các tăng ni, phật tử, thủ từ các đình, chùa... Hầu hết các đình, đền, chùa đều thành lập Ban quản lý di tích hoặc ban khánh tiết đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích, xây dựng kịch bản để điều hành các hoạt động tín ngưỡng hay dâng hương trong những ngày lễ, ngày kỵ, ngày sinh các vị thánh tổ được nhân dân thờ phụng. Các lễ hội, lễ dâng hương đều giữ được bản sắc truyền thống và phát huy được giá trị của di tích, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Văn Then, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Xóm văn hoá” ở xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả 15 xóm trong xã đều được công nhận “Làng văn hoá”; tỷ lệ gia đình văn hóa ở xã không ngừng được nâng cao; năm 2015 đạt 86%. Chuyển biến trong việc thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hoá đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Các gia đình luôn đoàn kết giúp đỡ nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,3%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Nhân dân trong xã có điều kiện đóng góp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng NTM. Với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, hệ thống đường giao thông trong xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; cả 15 xóm đều có NVH, trang thiết bị đầy đủ, là nơi sinh hoạt thường xuyên của các CLB văn hoá, văn nghệ, TDTT và nhân dân.
Những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện phong trào xây dựng “Nếp sống văn hoá” ở xã Hải Phúc đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân, bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng