Festival Huế 2016 đang đến rất gần theo đồng hồ đếm ngược của Ban Tổ chức. Các đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Thừa Thiên Huế đã phỏng vấn ông Chế Công Chung, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Festival Huế 2016, Giám đốc Trung tâm Festival Huế về những vấn đề bạn đọc quan tâm.
Ông Chế Công Chung cho biết, công tác chuẩn bị Festival Huế 2016 quán triệt tinh thần tổ chức theo hướng không dàn trải, tinh gọn, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn làm nòng cốt, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động xã hội. Ban Tổ chức đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện, đến thời điểm này đã khẳng định được các đoàn nghệ thuật tham gia, cơ bản xác định những chương trình trọng tâm của Festival Huế 2016. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động cộng đồng do các tổ chức và cá nhân đăng ký tham dự. Công tác xã hội hoá được chú trọng hơn, Ban Tổ chức đã đẩy mạnh công tác vận động tài trợ, kết quả khá thuận lợi, có thể nói hơn hẳn các kỳ Festival trước đây.
Năm 2016, lần đầu tiên Huế có một Festival “nội hóa”. Theo ông, điều đó tạo áp lực cho công tác tổ chức không?
Tỉnh Thừa Thiên Huế có một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên rất đông đảo; trong đó, có 3 Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), 29 Nghệ sĩ Ưu tú nên lãnh đạo tỉnh có cơ sở để tin tưởng và sử dụng lực lượng tại chỗ làm nòng cốt cho nhiều hoạt động biểu diễn.
Tất cả các kỳ festival trước, Huế đều mời các NSND và các đạo diễn đã thành danh từ Trung ương vào làm tổng đạo diễn. Tuy nhiên, năm nay trọng trách đó được giao cho NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. NSND Ngọc Bình làm tổng đạo diễn cho chương trình khai mạc, bế mạc và huy động lực lượng từ 4 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tham gia.
NSND Ngọc Bình từng tham gia nhiều hội diễn sân khấu từ Trung ương đến địa phương, cũng như các kỳ festival trước đây, do tổng đạo diễn mời. Thêm nữa, bản thân NSND Ngọc Bình cũng nhận được sự động viên rất lớn của bạn bè là những nghệ sĩ lớn bên ngoài, cũng như đồng nghiệp trong tỉnh nên chúng tôi tin tưởng rằng đạo diễn, NSND Ngọc Bình sẽ dàn dựng thành công và để lại dấu ấn trong chương trình Festival Huế 2016.
Tại kỳ Festival Huế 2016, thời gian tổ chức ngắn lại, số lượng chương trình cũng giảm hơn nhiều, ông có thể nói rõ hơn lý do và mục đích của sự thay đổi đó?
Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho Festival Huế 2016, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương tổ chức không dàn trải cả về không gian và thời gian, gọn về số lượng nhưng vẫn đảm bảo tinh về chất lượng. Năm nay, chúng ta tổ chức Festival Huế trong 6 ngày, đúng vào dịp nghỉ lễ cũng là để có nhiều du khách và công chúng địa phương có điều kiện tham gia hơn. Hơn nữa, bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống của Huế, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, các chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng sẽ bổ sung cho hoạt động du lịch một cách đa dạng, phong phú hơn.
Có rất nhiều đoàn nghệ thuật đăng ký tham gia Festival Huế 2016 nhưng vì thời gian diễn ra Festival ngắn lại nên không thể tiếp nhận nhiều đoàn như trước. Hiện tại, chúng tôi đã chốt 22 đoàn quốc tế đến từ 18 quốc gia và 12 đoàn trong nước, với gần 600 diễn viên tham gia kỳ Festival này.
Festival Huế là một thương hiệu uy tín. Theo ông, làm thế nào để phát huy thương hiệu đó cũng như gìn giữ sức sống của nó trong lòng công chúng?
Văn hóa và du lịch vốn có mối quan hệ chặt chẽ. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta làm như thế nào để Festival Huế có thể là hoạt động nghệ thuật kết nối bền chặt hơn mối quan hệ đó. Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart, từng nói: “Chương trình Festival Huế được tổ chức chính là sự minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi lại được các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc sống lại các tryền thống văn hoá trước đây”. Di sản văn hóa Huế làm nền tảng cho Festival, ngược lại Festival làm cho di sản Huế đến được nhiều hơn với công chúng. Chúng tôi cũng khẳng định điều đó. Bởi lẽ, có rất nhiều câu chuyện văn hóa truyền thống được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật và chuyển tải lên sân khấu của Festival Huế, như: Lễ tế Giao, lễ Truyền lô, Hành trình mở cõi, Huyền thoại sông Hương…
Hơn nữa, mỗi kỳ thực hiện Festival Huế, rất nhiều tài nguyên văn hóa được nghiên cứu, được chuyển tải qua ngôn ngữ nghệ thuật và trình diễn trước công chúng. Đó chính là những yếu tố mới của Festival Huế, cũng là những yếu tố hấp dẫn, thu hút khán giả để giới thiệu văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Khai thác tốt vấn đề này, Festival Huế không chỉ luôn tạo được sự háo hức trong lòng công chúng mà còn là mục đích để các nhà nghiên cứu Huế luôn tìm ra những cái mới trong kho tài nguyên văn hóa của vùng đất Cố đô này.
Festival Huế mang tầm quốc gia và quốc tế. Vậy với kỳ Festival 2016, chúng ta chủ động quảng bá như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi cũng xác định kênh tuyên truyền quan trọng qua các hoạt động của Bộ Ngoại giao, Bộ VH, TT và DL và tổ chức xúc tiến du lịch địa phương. Nên bất kể các đơn vị trên có hoạt động nào ra quốc tế chúng tôi đều chủ động gửi kèm tài liệu để quảng bá.
Kênh quảng bá về Festival Huế nhanh và hiệu quả nhất với du khách nước ngoài là thông qua các tour, tuyến du lịch, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự mạnh. Bù lại, tôi cho rằng, thành công lớn trong công tác quảng bá, tuyên truyền kỳ này là chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện được ứng dụng Festival Huế cho máy tính bảng và điện thoại thông minh. Đây là một cẩm nang chứa đựng đầy đủ thông tin hữu ích nhằm giúp người sử dụng khám phá thông tin du lịch về Huế nói chung và Festival Huế nói riêng một cách hiệu quả nhất.
Riêng ở trong nước, nhà tài trợ Lê Nguyễn đã đẩy mạnh quảng bá ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, với hơn 20 pa-nô và hơn 100 hộp đèn về Festival Huế 2016. Trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng đã tổ chức 41 pa-nô cỡ 2mx3m và nhiều băng, cờ, khẩu hiệu khác để tuyên truyền trực quan cho người dân.
Xin cảm ơn ông và xin chúc Huế tiếp tục có một kỳ Festival thành công!