Ảnh minh hoạ/ Internet |
Dọc bờ sông, ngay sát chân con đê làng, những bụi tre ken dày, xanh tốt quanh năm. Tre làm thành lũy, bao bọc, chở che con đê làng qua bao mùa mưa lũ. Vòm tre là nơi trú ngụ bình yên cho chim chóc ríu rít sớm chiều. Bến sông xanh mát bóng tre luôn rộn rã tiếng các bà các chị ra giặt giũ, gánh nước, rửa chân tay sau mỗi buổi đi làm đồng về. Những trưa hè oi bức, đám trẻ con vẫn thường tụ tập quanh các lũy tre tìm bắt trứng chim hoặc bóc các mo tre, về ép phẳng, bán cho những người làm nón. Sau những cơn mưa rào đầu mùa, những mầm măng tre mập mạp đội lớp đất sỏi cỗi cằn, đâm lên tua tủa. Chiều chiều, sau khi thả trâu bên triền đê xanh mướt cỏ non, lũ trẻ trâu thế nào cũng mang theo cái thuổng nhỏ đi đào củ măng. Búp măng nhọn hoắt, những lớp bẹ màu nâu tím bên ngoài phủ đầy lông sắc nên để đào được vài củ măng có khi mất cả buổi sáng. Dù quần áo chân tay lem nhem bùn đất, mồ hôi ướt đẫm cả trán nhưng bọn trẻ đứa nào cũng thấy thích thú. Măng tre qua những đợt mưa thật giòn và ngọt, có thể chế biến được rất nhiều món. Chỉ cần bóc lớp bẹ già, chẻ đôi mầm măng trắng nõn, luộc qua nước muối mấy lần cho hết vị đắng là có thể luộc chấm muối vừng, mắm tép hoặc muối chua với dấm tỏi ớt ăn dần. Sẵn lúc trời mưa, đêm nào bố chịu khó khoác áo mưa, cầm đèn chai đi soi, vợt được mấy chú ếch béo, thế là hôm sau, cả nhà được thưởng thức món ếch xào măng với lá lốt thơm lừng. Nhiều hôm, măng đào được nhiều, ăn không hết, các bà các mẹ lại để dành một ít ngâm với nước gạo cho chua rồi nấu canh cá hoặc chẻ nhỏ, phơi thật khô, bọc lá chuối, cất lên gác bếp, chờ dịp giỗ chạp mang ra ninh với móng giò.