Nam Định nằm ở trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, là nơi hội tụ, sản sinh, lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Với nhiều di sản văn hoá phong phú, tỉnh ta là một trong những trung tâm của nhiều văn hoá tín ngưỡng độc đáo như: Tín ngưỡng thờ nhân thần, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ tổ tiên…
Lễ hội Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) diễn ra vào ngày 7-7 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. |
Trong các loại hình văn hoá tín ngưỡng ở tỉnh ta, phổ biến nhất là tín ngưỡng thờ nhân thần, thể hiện đạo lý tôn kính, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công khai hoang, lập ấp, xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước và những bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân… Vùng đất Nam Định xưa là nơi quần tụ sớm của người Việt cổ với những chứng cứ khảo cổ học ở núi Lê, hang Hồ xã Tam Thanh (Vụ Bản). Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất Nam Định sản sinh ra nhiều nhân tài và đã trở thành kinh đô thứ 2 sau Thăng Long (thời Trần). Cùng sự phát triển của văn hoá, xã hội, tỉnh ta là địa phương có hệ thống di sản văn hoá phong phú và là cái nôi hình thành nên tín ngưỡng thờ nhân thần với trên 225 di tích được phân bố trên phạm vi rộng ở tất cả các huyện trong tỉnh. Mỗi di tích lịch sử - văn hoá được gắn với nhân vật thờ và kiến trúc lễ hội, phong tục tập quán, lễ nghi khác nhau như: Tại huyện Vụ Bản các di tích tập trung thờ các vị tướng thời Hùng Vương và thờ Hai Bà Trưng; ở huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng thờ Vua Triệu Việt Vương và các vị tướng thời Đinh - Lê (thế kỷ X); ở huyện Ý Yên chủ yếu thờ các ông tổ nghề; huyện Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định thờ các vị vua Trần, các danh nhân, danh tướng thời Trần… Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) là điển hình của di sản văn hóa Trần ở Việt Nam. Dấu tích về vương triều Trần vàng son được thể hiện rõ qua hệ thống di sản văn hóa đậm đặc và phong phú tại di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp. Triều đại nhà Trần là triều đại “võ công văn trị” nổi tiếng trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc với sự xuất hiện của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và các tướng tài như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản... Triều đại Trần không những ngoan cường đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước mà còn nêu cao ý thức độc lập, tự chủ về chính trị, tôn giáo bằng việc sáng tạo ra một giáo phái độc lập: Thiền phái Trúc lâm. Vương triều Trần với nhiều chiến công oai hùng của các nhân thần đã ghi tạc vào lịch sử của dân tộc. Với hệ thống di tích dày đặc liên quan đến văn hoá tín ngưỡng thờ nhân thần, hằng năm tại các di tích ở địa phương trong tỉnh đều diễn ra nhiều hoạt động lễ hội đa dạng, phong phú. Mỗi dịp lễ hội, người dân khắp nơi lại nô nức hành hương về với những địa danh để chiêm ngưỡng các di sản văn hóa, tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đi trước. Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần (TP Nam Định) diễn ra đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch và Lễ hội Trần tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch được diễn ra theo những nghi thức cung đình. Đây là lễ hội thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba thời Trần có công với dân với nước bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính. Ngoài các cuộc tế, lễ, rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương tại đền Thiên Trường là nhiều nghi lễ tượng trưng cho các hoạt động của triều đình xưa cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn đã được khôi phục và trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Lễ hội Đền Trần (gồm Lễ Khai ấn đầu xuân và Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo) được Bộ VH, TT và DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ Mẫu là một văn hoá tín ngưỡng bản địa có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, có chỗ đứng đặc biệt, có sức lan toả lớn và ngày càng thể hiện trong xã hội đương đại. Theo khảo sát, toàn tỉnh có 352 di tích lịch sử - văn hoá thờ và phối thờ Đức Thánh Mẫu; trong đó có 220 phủ, 16 miếu, 72 chùa phối thờ, 44 đền, đình thờ chung với thành hoàng làng. Tiêu biểu là quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản) với hơn 20 di tích thờ Mẫu… Tín ngưỡng thờ Mẫu có cả một hệ thống thực hành nghi lễ như việc thờ cúng, các lễ hội... Việc thực hành lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu với những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa thiêng được kết hợp một cách nghệ thuật như một “bảo tàng sống”, lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu tôn vinh người mẹ đã sản sinh ra nhân loại, che chở, sáng tạo và bảo trợ cho cộng đồng, vun đắp cuộc sống của gia đình, cộng đồng, làng nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu tích hợp nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật như hát chầu văn, những điệu múa thiêng... Năm 2012-2013, di sản “Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định” và “Lễ hội Phủ Dầy” được Bộ VH, TT và DL đưa vào Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và tỉnh ta được chọn làm đại diện cho các địa phương có di sản văn hoá thờ Mẫu xây dựng Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở cấp quốc tế.
Nếu như đình, đền, chùa là những di tích thờ nhân thần; phủ, miếu là những di tích thờ Mẫu thì giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lại được gắn với các di tích từ đường dòng họ, nhà thờ tổ. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên là ý thức của các con cháu trong dòng họ và đã trở thành đạo lý của dân tộc Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh ta có gần 2.000 từ đường, nhà thờ tổ. Trong đó có nhiều từ đường dòng họ được UBND tỉnh và Bộ VH, TT và DL xếp hạng. Tiêu biểu như: Từ đường thủy tổ Vũ Chi, Phạm Cập, Nguyễn Đại Tông, Trần Vu, Hoàng Gia, họ Lại, họ Nguyễn, họ Lâm (Hải Hậu); Từ đường họ Nguyễn, họ Doãn (Giao Thuỷ); Từ đường họ Trần, họ Lã, Khiếu Năng Tĩnh (Ý Yên)… Các di tích từ đường thờ các vị cao tằng thủy tổ và các tiên linh khác của họ tộc, những người có công khai hoang lập ấp, khai cơ lập nghiệp, gây dựng nên cuộc sống hiện tại được tôn là “Thành hoàng làng”, “Nghệ tổ”. Các di tích từ đường đều lưu giữ được khối kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và niềm tự hào truyền thống của con cháu trong dòng họ. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các con cháu trong dòng họ bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên. Hằng năm tại từ đường diễn ra các nghi lễ tế, rước, các hình thức sinh hoạt văn hoá, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con, cháu trong dòng họ. Qua đó, nhiều nét đẹp văn hoá, trò chơi dân gian được con cháu trong dòng họ gìn giữ và phát huy… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những giá trị văn hoá tín ngưỡng truyền thống: Thờ nhân thần, thờ Mẫu, thờ cúng tổ tiên… vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân. Ý thức hướng về nguồn cội được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng với tiến trình lịch sử, văn hóa tín ngưỡng truyền thống đã kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của dân tộc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng