Ấn tượng từ chương trình biểu diễn giới thiệu Nghi lễ Chầu văn

08:03, 05/03/2016

Tối 26-2-2016 vừa qua, tại phủ Tiên Hương thuộc Quần thể di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã diễn ra chương trình biểu diễn giới thiệu Nghi lễ Chầu văn do Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Chương trình chỉ kéo dài trong hơn 2 tiếng với 8 giá đồng nhưng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng hơn 20 vị Đại sứ cùng hàng chục đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Các vị Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam chụp ảnh cùng thanh đồng Trần Thị Huệ (thứ 2 từ trái sang) sau khi kết thúc chương trình biểu diễn, giới thiệu Nghi lễ Chầu văn.
Các vị Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam chụp ảnh cùng thanh đồng Trần Thị Huệ (thứ 2 từ trái sang) sau khi kết thúc chương trình biểu diễn, giới thiệu Nghi lễ Chầu văn.

Chương trình biểu diễn, giới thiệu Nghi lễ Chầu văn do thanh đồng Trần Thị Huệ thực hành đã mang tới cảm nhận cho người xem khá đầy đủ về vẻ đẹp nghệ thuật và tâm linh huyền bí của loại hình nghệ thuật này. Yếu tố gây ấn tượng đầu tiên cho người xem là các trang phục được sử dụng trong Nghi lễ Chầu văn. Các bộ trang phục biểu diễn trong Nghi lễ Chầu văn đều có quy định chặt chẽ về kiểu cách, màu sắc và trang sức đi kèm. Vì xuất xứ và tích truyện về mỗi vị Thánh trong từng giá đồng khác nhau nên các bộ y phục cũng có sự khác biệt. Có vị xuất tích từ miền Nhạc phủ (rừng xanh) như Cô Bé Thượng Ngàn mặc trang phục của người dân tộc, trong khi Cô Đôi Cam Đường lại mặc trang phục áo tứ thân, đeo quang gánh của phụ nữ người Kinh. Trang phục của các giá Chầu Bà thường rất đẹp vì đó là hóa thân của các Mẫu; chẳng hạn như trang phục của Chầu Đệ Tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lấp lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng lại toát lên vẻ uy nghi, quyền lực giống trang phục các vị quan trong triều đại phong kiến. Ngoài trang phục thì trang sức và các vật đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài trong buổi thực hành nghi lễ cũng được gia công tinh xảo. Có thể kể đến như Cù ngọc, thẻ bài dùng trong các giá Quan, giá Hoàng hay các loại vòng, cài khăn dùng trong các giá Chầu, giá Cô. Các đồ trang sức này được chế tác đẹp và cầu kỳ từ các chất liệu bạc, đá màu và ngọc… Nhìn vào hệ thống trang phục và trang sức trong Nghi lễ Chầu văn, người xem có thể thấy được sự phong phú của trang phục người Việt qua nhiều tộc người ở nhiều thời kỳ khác nhau. Đặc biệt, âm nhạc Chầu văn rộn rã, giọng ca mượt mà, điệu múa uyển chuyển của thanh đồng đã chinh phục thị hiếu của các vị đại biểu quốc tế. Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, các quan khách nước ngoài đều vỗ tay theo tiếng nhạc, lời hát của Cung văn. Các điệu hát khi hào sảng với các chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, Quan Hoàng, khi lại ríu rít, quấn quýt như tiếng chim rừng trong giá hàng Cô (Nhạc Phủ). Bên cạnh đó, các điệu múa của thanh đồng được thay đổi đa dạng theo các giá hầu; lúc hóa thân thành một vị quan lớn oai vệ uy nghiêm, khi lại hóa thân thành một cô gái tung tăng nhảy múa. Giá Quan Lớn thường có các điệu múa cờ, múa kiếm, long đao, kích… Giá của các Chầu Bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không. Giá Ông Hoàng có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ. Trong khi đó đẹp mắt và được yêu thích nhất là giá các Cô múa quạt, múa hoa, múa chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn… Nghi lễ diễn ra theo thứ tự Thánh giáng từ cao đến thấp nên các điệu múa cũng đi từ sự uy nghi tới uyển chuyển sang tươi vui nhí nhảnh, càng về cuối càng thu hút người xem. Tất cả những yếu tố trong Nghi lễ Chầu văn mang tới nét độc đáo từ sự tinh tế của nghệ thuật âm nhạc, trang phục và diễn xướng sân khấu đến nét huyền bí tâm linh được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Phát biểu sau khi kết thúc chương trình, bà Ca-tê-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam xúc động: “Xin cảm ơn chân thành tới các vị thanh đồng, cung văn, nghệ sĩ đã thể hiện buổi thực hành Nghi lễ Chầu văn với niềm đam mê mãnh liệt để tất cả những vị khách quốc tế hiểu thêm về vai trò của người phụ nữ. Sự có mặt của các vị Đại sứ quốc tế, trong đó có nhiều Đại sứ ở các quốc gia là thành viên của UNESCO sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Hy vọng hồ sơ về “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ sớm được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại vào tháng 12 tới tại Ê-ti-ô-pi-a”. Không chỉ riêng bà Ca-tê-rin, các Đại sứ đều tỏ ra hào hứng khi được chứng kiến màn trình diễn do thanh đồng Trần Thị Huệ thực hành. Ông Tét Ô-si-ớt, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết: “Buổi lễ rất hấp dẫn và lôi cuốn vì mỗi giá đồng là một câu chuyện khác nhau. Trước khi xem chương trình hôm nay, tôi đã nghiên cứu một số tài liệu về “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nhưng chưa hình dung thực tế lại cuốn hút như vậy!”. Ông Công-xtăng-tin Va-xi-li-ê-vích Vnu-cốp, Đại sứ Nga tại Việt Nam khẳng định: “Đây là một hình thức nghệ thuật đặc biệt, có tính lịch sử lâu dài phản ánh sâu sắc đời sống của người dân Việt Nam. Cá nhân tôi đánh giá việc đưa hát Chầu văn ra biểu diễn và đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới là một ý tưởng hay và chắc chắn hát Chầu văn sẽ được tất cả người dân trên toàn thế giới đón nhận, trong đó có người dân nước Nga”. Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng: “Chương trình góp phần tuyên truyền, quảng bá di sản, hướng tới việc được UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài mục đích giới thiệu nét đẹp, sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam, chương trình còn góp phần giúp các đại biểu, các tổ chức quốc tế nhìn nhận khách quan về tự do tín ngưỡng ở nước ta”.

Mặc dù lần đầu tiên tổ chức biểu diễn, giới thiệu Nghi lễ Chầu văn với một đoàn ngoại giao, song các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đã làm tốt công tác chuẩn bị và đảm bảo an ninh để chương trình diễn ra thành công. Qua chương trình này, ấn tượng về Nam Định có bề dày lịch sử văn hiến, con người thân thiện, một trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ sẽ còn mãi trong ký ức của những quan khách trong và ngoài nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com