Toàn tỉnh có khoảng 100 lễ hội xuân được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, tập trung nhiều ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và Hải Hậu. Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới dự như: Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu)…
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tổ chức các lễ hội ở tỉnh ta được thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Các địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; xây dựng kịch bản và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích. Việc quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm; nhiều trò chơi dân gian được khôi phục. Lễ Khai ấn Đền Trần là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, ước tính hàng vạn người tham dự. Những năm gần đây Ban tổ chức Lễ Khai ấn Đền Trần đã khai thác và phát huy được các giá trị di sản văn hoá truyền thống; một số nghi lễ cổ truyền trong lễ hội được phục dựng như: Nghi lễ “rước kiệu Ngọc Lộ”, lễ rước Nước, tế Cá… Theo các nhà nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, hiện nay lễ Khai ấn Đền Trần đã tổ chức đầy đủ các nghi lễ truyền thống, xứng tầm là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, Lễ Khai ấn Đền Trần diễn ra vào ngày chủ nhật nên lượng du khách thập phương về dự lễ nhiều hơn mọi năm. Ban tổ chức lễ hội đã tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sớm hơn nửa tiếng so với năm 2015 (từ 5h30 sáng ngày rằm tháng Giêng năm Bính Thân). Để lễ hội tổ chức thành công và tạo được ấn tượng đẹp cho nhân dân và khách thập phương, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 4 tiểu ban gồm: nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự và hậu cần phối hợp hoạt động với các lực lượng chức năng nhằm tiếp tục đảm bảo thực hiện đúng các nghi lễ truyền thống; việc phát ấn cho du khách thập phương đảm bảo trật tự, an toàn. Công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần với những biện pháp thiết thực đã tạo điều kiện tốt để người dân và du khách an tâm trảy hội xin ấn. Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thời gian qua được tổ chức, thực hiện tốt theo quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy”. Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình lễ hội về các phương diện: số lượng, hình thức, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động lễ và hội. Tập trung giải quyết các vấn đề: Hành khất, vệ sinh môi trường, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp, bán hàng, đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội và các đền, phủ, chùa, lăng… Bên cạnh đó, Lễ hội Phủ Dầy với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như: Nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội... đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự, không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần quảng bá thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong các lễ hội mùa xuân ở huyện Hải Hậu, cùng với thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian từng bước được khôi phục. Tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Cồn (Thị trấn Cồn) vào dịp lễ hội truyền thống (tháng 2 âm lịch), ngoài phần lễ trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: đấu vật, chọi gà, leo cầu ngô, bắt vịt, tổ tôm điếm, múa sư tử, bơi chải, hát văn trên thuyền, hát chèo trên sân chùa vào các buổi tối trong thời gian diễn ra lễ hội. Ở di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền, Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc vào dịp lễ hội truyền thống (tháng 2 âm lịch) ngoài việc tế lễ, rước kiệu, phần hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm, thi hát chèo, hát ả đào. Hội Chùa Lương, xã Hải Anh được tổ chức từ ngày 13 đến 16-3 âm lịch hằng năm, phần hội tổ chức: thi kéo co, chơi cờ, hát chèo, lên đồng, hát văn, hát đối... Ở huyện Ý Yên, ngoài tổ chức an toàn các hội hoa cây cảnh xuân ở xã Yên Thắng (mùng 9 đến mùng 10 tháng Giêng), Yên Đồng (mùng 9 tháng Giêng)…, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục trong các lễ hội như: Bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường; bắt trạch trong chum tại lễ hội Đình Tống Xá, xã Yên Xá; đánh cờ người ở lễ hội Đền Vua Đinh, xã Yên Thắng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội xuân ở tỉnh ta còn bộc lộ một số hạn chế như: Ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế như thắp hương, đốt vàng mã quá nhiều trong lễ hội gây lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực di tích. Hiện tượng chèo kéo khách vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội. Công tác tuyên truyền về giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại lễ hội còn chưa thường xuyên. Ở một số di tích vẫn còn tình trạng khách đặt tiền lẻ tùy tiện, không đúng quy định. Công tác vệ sinh môi trường một số nơi chưa làm tốt, việc thu gom rác thải chưa kịp thời, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra trong lễ hội. Các dịch vụ, hàng quán bầy bán tràn lan; nạn hành khất; hiện tượng bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan di tích và làm mất đi vẻ linh thiêng và nét đẹp truyền thống của lễ hội... Để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội, ngày 2-2-2016, UBND tỉnh có Công văn số 33 chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, trọng tâm là các lễ hội mùa xuân. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban tổ chức các lễ hội, Ban quan lý các di tích đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử - văn hóa, ý nghĩa của lễ hội; hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Rà soát hệ thống thiết bị phòng, chống cháy nổ ở di tích, hạn chế tình trạng đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích. Tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện, không bán hàng hóa, các loại thực phẩm tươi sống và các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội. Nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ, nhất là trong khuôn viên di tích và lễ hội; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền trên hiện vật, đồ thờ tùy tiện gây phản cảm; bố trí hòm công đức hợp lý, huy động lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền công đức, tiền lễ nhân dân đặt không đúng nơi quy định. Ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, hành khất, trộm cắp, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá hàng hóa dịch vụ, chèo kéo khánh, đốt pháo nổ trong thời gian diễn ra lễ hội. Thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội. UBND tỉnh giao cho Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng thành lập Đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lễ hội trên địa bàn theo quy định pháp luật. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tăng cường tuyên truyền về các nét đẹp trong lễ hội góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh lễ hội. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lễ hội; phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm./.
Viết Dư