Huyện Xuân Trường có 33 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước công nhận xếp hạng; trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa…
Chùa Viên Quang, xã Xuân Ninh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991. |
Triển khai thực hiện công tác chống xâm hại di tích, UBND huyện chỉ đạo Phòng VH-TT huyện tích cực phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng GD và ĐT… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng GD và ĐT huyện chỉ đạo các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý di tích ở huyện Xuân Trường được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Các xã, thị trấn trực tiếp quản lý di tích, có trách nhiệm thành lập Ban quản lý di tích trên địa bàn và quy định nội quy, quy chế hoạt động cụ thể. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có di tích đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức công khai quy hoạch, thực hiện việc cắm mốc giới và khoanh vùng bảo vệ di tích. Trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, các xã, thị trấn đã chỉ đạo thành lập ban giám sát cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều xã như: Xuân Hồng, Xuân Ninh, Xuân Trung, Xuân Kiên, Xuân Đài… đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Ở xã Xuân Hồng, các làng Hành Thiện và Ngọc Tiên đã thành lập ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm và tổ chức phổ biến công khai, giúp cho nhân dân địa phương và du khách tham quan hiểu biết về các giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia cùng nguồn kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, thời gian qua, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong đó, chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan được đầu tư, tôn tạo với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tại di tích lịch sử - văn hóa Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng, nhiều năm qua Ban quản lý di tích đã tuyên truyền, quảng bá các giá trị lịch sử - văn hóa của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh nên nhân dân địa phương, con em xa quê và khách thập phương đã công đức hàng trăm triệu đồng để tôn tạo nhiều hạng mục trong khuôn viên đền. Xã Xuân Ninh có 3 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó Chùa Viên Quang là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân địa phương và khách thập phương đã công đức gần 1 tỷ đồng để tu sửa các hạng mục xuống cấp của chùa. Ông Phạm Công Tuyền, Phó ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa Chùa Viên Quang cho biết: Thực hiện công tác chống xâm hại di tích, Ban quản lý di tích Chùa Viên Quang đã đến từng hộ dân có đất gần kề di tích để tuyên truyền quy định, địa giới khu vực bảo vệ chùa. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng trình tự, quy định trong Luật Di sản văn hóa. Nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa được công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trong khuôn viên chùa hiện nay còn giữ được 15 cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm; chi Hội Sinh vật cảnh thôn Nghĩa Xá và nhân dân trong thôn đã tiến cúng hàng chục cây cảnh nghệ thuật làm tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên của di tích. Tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn huyện cũng được trùng tu tôn tạo từ nguồn xã hội hóa. Tiêu biểu như chùa Trung (xã Xuân Trung) đã huy động sự đóng góp của nhân dân trên 3 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo. Đền và chùa Thọ Vực (xã Xuân Phong) đã được người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để kè toàn bộ bờ hồ trước đền và chùa. Đền Hạc Châu và từ đường họ Nguyễn, xã Xuân Châu đã huy động hàng trăm triệu đồng từ nhân dân và trong dòng họ để tu bổ khuôn viên, bờ hồ, hàng rào, nhà khách. Ngoài ra, các di tích như: đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; đình, chùa Lạc Quần, xã Xuân Ninh; đền, chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong… đã được tu bổ với kinh phí từ 200-500 triệu đồng.
Thời gian tới huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hoá, đồng thời kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm làm tổn hại di tích. Ban quản lý di tích các xã, thị trấn tiếp tục hoàn thiện và phân công trách nhiệm cho các thành viên, phát hiện và kịp thời tham mưu xử lý những sai phạm, vi phạm pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn. Tích cực khuyến khích, vận động nhân dân chung tay bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng quê hương phát triển./.
Bài và ảnh: Viết Dư