10 năm trở lại đây, Linh mục Phạm Xuân Thi ở giáo xứ Phương Lạc, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã đứng ra mở các lớp học nhạc miễn phí cho thanh, thiếu niên trong giáo xứ và các xứ lân cận đến học. Từ lớp học của ông, nhiều người đã thi đỗ vào các trường năng khiếu, trở thành các thầy, cô giáo dạy nhạc, thậm chí có thể mưu sinh được bằng nghề ca hát. Từ lớp học nhỏ, sáng sáng, chiều chiều, người dân giáo xứ thường xuyên được nghe các bản nhạc du dương, êm dịu, thiết tha… Cuộc sống mưu sinh nhờ đó đỡ phần vất vả, nhọc nhằn.
|
Linh mục Phạm Xuân Thi, giáo xứ Phương Lạc, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) hướng dẫn học sinh chơi đàn. |
Gắn bó cả cuộc đời với công việc mục vụ, nay dù tuổi đã ngoài bảy mươi, vị linh mục già vẫn nặng tình với các công việc xã hội. Trong đó, lớp dạy nhạc được linh mục Thi coi như việc hằng ngày. “Trong cuộc sống, ngoài miếng cơm manh áo, con người còn cần những nhu cầu giải trí khác như âm nhạc, phim ảnh, đọc sách báo... Tôi thấy, trong giáo xứ chúng tôi có nhiều học sinh tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã bộc lộ được năng khiếu, niềm yêu thích đặc biệt đối với âm nhạc. Tuy nhiên, phần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần do không có môi trường, người kèm cặp, đào tạo nên các cháu không phát huy được sở trường. Vì vậy, tôi muốn mở lớp học miễn phí, trước hết giúp các cháu học sinh có chỗ để học, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Sau đó là nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho lứa tuổi trẻ, đưa âm nhạc đến gần hơn với cuộc đời”, linh mục chia sẻ. Không chỉ dạy cho học sinh về âm nhạc, thông qua các buổi lên lớp, linh mục còn chia sẻ với học viên nhiều điều về cuộc sống, về đạo đức, cách sống, học làm người có ích cho xã hội, giúp con người thêm yêu đời, tâm hồn được thoải mái và hướng thiện... Với mục đích đó, 10 năm nay linh mục Phạm Xuân Thi đều đặn mở các lớp dạy nhạc ngay trong nhà thờ. Tuy nhiên, ngày thường nếu có ai đến xin học, ông cũng không ngại ngần mở giáo án, đàn ra hướng dẫn. Phương pháp giảng dạy của linh mục rất đơn giản: “Trước hết tôi giảng lý thuyết cho các em nghe. Để giảng lý thuyết, đương nhiên tôi phải soạn bài đàng hoàng. Từ lý thuyết các cháu sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về nhạc lý như: khái niệm âm nhạc, phân loại các loại nhạc, nhạc cụ, đọc được các nốt nhạc, tập xướng… Sau khi học sinh nắm được kiến thức cơ bản tôi cho học thực hành. Khi học thực hành, tôi hướng dẫn các em từ tư thế ngồi đánh đàn, cách cầm nhạc cụ, nên dồn lực vào bàn tay, ngón tay như thế nào, sau đó mới ra bài cho học sinh tự luyện tập. Khi học sinh đã thuộc bài tôi tiến hành kiểm tra thực hành”, linh mục chia sẻ thêm. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có thể làm vị linh mục già hài lòng. Trong lớp học sẽ có người tiếp thu nhanh hơn, có người tiếp thu chậm hơn. Có những em dạy cả tháng trời vẫn không nhớ hết được các nốt nhạc, chưa nói đến việc biết đánh đàn. Ông phải tìm cách “gỡ” khó cho học sinh của mình bằng các cách nói chuyện, chia sẻ, phân tích, thậm chí vẽ, cắt hẳn các nốt nhạc ra giấy để trước mặt cho các em học bài. Với cách giảng dạy tận tình, tiếng lành đồn xa, lớp học nhạc của linh mục ngày càng thu hút đông học sinh. Có lúc đến cả vài chục em xin học, ông không từ chối một ai với suy nghĩ đơn giản: “Tôi già rồi, không còn nhiều thời gian nữa. Có bao nhiêu sức lực, tôi muốn truyền lại bấy nhiêu cho học sinh của mình, giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc”, ông chia sẻ. Học viên đến với lớp nhạc của linh mục không chỉ có các em ở tuổi từ 10-12 mà còn có những học sinh lớn tuổi hơn, 18-20 tuổi, thậm chí có cả người lớn. Mọi người đến lớp học của ông không kể tuổi tác, hoàn cảnh sống. Tỷ mỉ, kỳ công, trong 10 năm mở lớp chính thức, linh mục Phạm Xuân Thi đã đào tạo, dạy nhạc cho hàng trăm học viên biết thông thạo nhạc lý, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ. Sự tận tâm của linh mục đã được đền bù xứng đáng, nhiều học sinh đã thi đậu vào các trường nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Nhạc viện Hà Nội… Và, từ lớp học nhỏ của linh mục, khi địa phương, giáo xứ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhiều học sinh trong lớp đã đóng vai trò là những “hạt nhân” nòng cốt.
Phục vụ việc đời, việc đạo, từ tiếng đàn, lời ca tiếng hát của họ đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho giáo dân nói riêng, địa phương nói chung. Không chỉ bỏ thời gian, công sức để mở các lớp học nhạc miễn phí, linh mục Phạm Xuân Thi còn dành hết tâm huyết, tiền bạc đầu tư nhạc cụ cho lớp học. Cứ dành dụm được ít nhiều, linh mục lại gom góp để mua nhạc cụ. Lớp học nhỏ của ông, vì thế tương đối đầy đủ các loại đàn cơ bản. Ngoài oóc-gan còn có vi-ô-lông, đàn tam thập lục, đàn tranh… Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, các thể loại nhạc khác nhau, linh mục sử dụng, phát huy thế mạnh từng loại đàn để hướng dẫn học sinh học nhạc. “Nếu là các bài hát dân ca, tôi sẽ sử dụng đàn tranh, tam thập lục. Nhạc trong nhà thờ tôi sẽ sử dụng oóc-gan, vi-ô-lông dành cho thể loại hợp xướng…”, ông nói. Yêu thương, tận tâm với học trò, khi học viên cần linh mục còn sẵn sàng cho học sinh mượn nhạc cụ đi biểu diễn dài ngày ở những nơi xa xôi...
Rời giáo xứ Phương Lạc, những âm thanh vang vọng của tiếng đàn piano và tiếng vĩ cầm du dương vẫn theo chúng tôi, mê hoặc lòng người. Những âm thanh đó, đặc biệt hơn ngân nga từ giữa ruộng đồng bao la, giữa những nếp nhà giản dị, thanh bình. Cuộc sống mưu sinh nơi thôn quê còn nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng hằng ngày nhiều học sinh nhỏ, thanh, thiếu niên vẫn đều đặn đến lớp học nhạc. Đủ để thấy, tình yêu âm nhạc không dễ mất đi bởi tâm huyết của vị linh mục già say mê âm nhạc./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh