Cùng với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, mảnh đất Nam Định xưa đã mang trong mình vẻ trang nghiêm, cổ kính với những tên làng cổ như: Phù Long (TP Nam Định), Dịch Diệp (Trực Ninh), Hải Lạng (Nghĩa Hưng), Hành Thiện (Xuân Trường), Quả Linh (Vụ Bản)… Mỗi làng cổ mang một dấu ấn riêng cùng những nghề thủ công truyền thống đậm đà bản sắc văn hoá, tín ngưỡng độc đáo, đa dạng.
Làng Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) ngày nay được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ với tên gọi là Dịch Diệp Trang. Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân - Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường. Làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ truyền thống với những nét đẹp cổ kính như: đền, chùa, giếng nước, cây đa, cây đề cổ thụ có tuổi đời đến 700-800 năm. Địa thế của làng Dịch Diệp được ví như một con thuyền dong buồm hướng ra Biển Đông, trong đó mũi thuyền là chính cổng làng phía nam hướng ra biển, đuôi thuyền hướng về phía tây, tiếp giáp với thôn An Lãng. Đầu thế kỷ XX đường làng chủ yếu là những mảng đá tảng chạy dài, đến năm 1942 được lát vỉa bằng gạch nghiêng xếp chéo. Uốn lượn theo đường bao quanh làng là con sông Dịch Diệp. Xưa kia, làng Dịch Diệp có 3 cổng làng gồm: cổng phía tây, cổng phía nam và cổng phía đông bắc. Trải qua thời gian và những năm tháng chiến tranh, hiện tại, làng chỉ còn giữ được một cổng phía nam nối liền với cây cầu cuốn bằng đá được xây dựng từ năm 1864. Đình làng xưa (nay là NVH thôn Dịch Diệp) còn giữ bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong” do Vua Tự Đức ban tặng làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau. Chùa làng có tên là “Cổ Liêu Linh Tự”, trong chùa còn lưu giữ được chiếc chuông đồng được đúc vào năm Gia Long thứ 6 (1818). Trước cửa chùa là cây bồ đề cổ kính có tuổi đời 800 năm tuổi. Cùng với đình, chùa cổ kính, làng Dịch Diệp còn có 1 ngôi đền thờ tam vị thành hoàng là Chương Tấu đại vương Nguyễn Công Văn, Lậu Khê đại vương Nguyễn Công Tham và Phạm Vũ đại pháp thiền sư Nguyễn Công Phạm - 3 vị tướng có công lao to lớn trong cuộc chống ngoại xâm phạt Tống, bình Xiêm và giúp nhân dân địa phương mở rộng ruộng đất, khuyên răn dạy chữ cho dân, dùng nhân nghĩa kết nhân tâm tạo thành phong tục tốt ở nơi đây. Theo các cụ cao niên trong làng, dân làng Dịch Diệp thuở ban đầu làm nghề canh nông, sau này mở thêm nghề dệt, lúc này nghề dệt cửi bắt đầu hình thành. Năm 1947 dân làng đã may áo trấn thủ gửi tặng bộ đội và may tấm áo lụa gửi tặng Bác Hồ và được Người gửi thư khen. Trải qua thời gian, nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và đang tiếp tục phát triển trên vùng đất Dịch Diệp đến ngày nay…
Cổng phía nam làng cổ Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) nối liền cây cầu cuốn bằng đá được xây dựng từ năm 1864. |
Làng Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) là vùng đất cổ có lịch sử thuần nông. Năm 1206 dưới thời Vua Lý Cao Tông, Quan tả thái giám Bùi Công Dực và một số vị quan triều đình đã chiêu mộ người dân các nơi về đây khai hoang, lấn biển, hình thành ấp Hải Lạng vào đầu thế kỷ XIII, mở đầu cho việc xây dựng, mở mang làng ấp Nghĩa Thịnh và các xã khác của huyện Nghĩa Hưng. Từ đó, mảnh đất “ba bề là sông, một bề là biển” này trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của huyện Nghĩa Hưng. Việc phát triển kinh tế, văn hoá của người dân Hải Lạng thể hiện sâu sắc trong lối sống, phong tục tập quán và trong cấu trúc làng xóm. Đầu thế kỷ XIV khi dòng sông Đào trở thành tuyến giao thông quan trọng trên đường từ Bắc vào Nam, làng Hải Lạng đã trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất. Vì vậy, một bộ phận dân cư Hải Lạng đã chuyển từ nghề nông sang buôn bán dịch vụ. Người dân nơi đây đã mua đất làm nhà ngay trên bến sông và hình thành phố Hải Lạng (phố trong làng). Phố Hải Lạng dài 800m với 2 dãy nhà ngói, nhà 2 tầng, đường phố được lát gạch nghiêng, 2 bên trồng phượng vỹ, phía dưới phố là 3 đình chợ cùng các dãy hàng quán phục vụ nhiều mặt hàng như: hàng tạp hoá bà Bính; hàng bán gạo, ngô ông Đào, ông Lai, bà Khanh; hàng thuốc bắc ông Kháng Đợn; hàng rượu ông Đồn Đoàn, hàng muối bà Bôn… Chợ Hải Lạng họp tất cả các ngày trong tháng, 9 phiên chợ chính được họp vào ngày 1, 4, 7 hằng tháng phục vụ nông sản và ăn uống. Từ đầu thế kỷ XIII, hằng năm dân Hải Lạng còn họp chợ Viềng vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Do vậy cuộc sống của người dân Hải Lạng rất sôi động, hối hả và đa dạng, phong phú. Nhiều yếu tố thành thị qua đó đã tác động vào người dân Hải Lạng, làm thay đổi cuộc sống tĩnh lặng đồng ruộng ở làng quê nơi đây. Làng Hải Lạng được gắn với những sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến quá trình hình thành làng ấp trù phú.
Đây là quê hương Tướng quân Thái uý Phạm Cự Lượng - người được Vua Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng ban cho giữ chức Phòng ngự sứ tiên phong, cử ra trấn giữ vùng đất cửa biển Đại An (phía bắc huyện Nghĩa Hưng ngày nay). Làng Hải Lạng có một ngôi đình thờ Lâm giang Thái uý Phạm Cự Lượng - danh tướng thời Đinh. Tại đình còn lưu giữ được pho tượng của Phạm Cự Lượng và nhiều đồ thờ thời Nguyễn có giá trị như: kiệu bát cống, nhang án, chấp kích… Sau đình là ngôi chùa thờ Phật. Ngoài ra trong làng còn 3 đền và 7 miếu điện. Đền Tây thờ thành hoàng Bùi Công Dực, Đền Đông thờ Minh Đại Vương, Đền Thượng thờ Tản viên Sơn thánh và Điện thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn… Hằng năm làng mở hội vào ngày 10-3 âm lịch, phần lễ vẫn duy trì tục “Rước nước tế thần” và 3 lễ tế: Tế nam quan, tế nữ quan và tế thanh đồng; phần hội với các trò chơi: Cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, đập nồi đất, kéo co, múa lân… thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Làng Phù Long (nay là đường Phù Long, phường Trần Tế Xương, TP Nam Định) là vùng quê được mệnh danh là đất “Nổi Rồng”. Theo tài liệu để lại, làng Phù Long gồm có 8 giáp: Đông, Đoài, Bắc, Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ. Sau đó, làng hình thành những vùng khác như Quán Chuột, Vườn Dâu, Cồn Chuối, Cồn Vịt. Xưa kia, khi Vua Minh Mạng chưa cho khai con sông Đào, làng Phù Long trải rộng sang cả đất Vị Khê, Vạn Diệp nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, hoa tươi, cây cảnh phục vụ cung Thiên Trường xưa. Các giống hoa được chọn lựa chuyên trồng phải là giống hoa quý, tượng trưng cho nét đẹp sang trọng, quyền uy như: Hải Đường, Dạ Quyên, Thủy Tiên, Ngọc Lan, Tùng La Hán, Bạch Ngọc, Trà Xâm… Cùng với thời gian, thú chơi hoa, cây cảnh đã vượt ra khỏi cung đình, ăn sâu vào nếp sinh hoạt của “Tứ dân” (sĩ, nông, công, thương) và trở thành sản phẩm hàng hóa dùng để trao đổi, mua bán trong các phiên chợ vùng, miền góp phần tạo nên những nét đẹp văn hoá của đất và người Phù Long xưa. Mảnh đất cổ Phù Long có khá nhiều tục lệ, dân làng trọng “xỉ” (tuổi cao) không trọng “tước” (làm quan có chức tước). Người dân Phù Long xưa làm ruộng là chính. Vào hè đầu tháng 4 âm lịch, khi sao mạ đồng ruộng bắt đầu mọc dân làng làm lễ xuống đồng. Lễ thánh xong là lễ rước với cờ ngũ hành đi trước, chiêng trống đi sau, cuối cùng là ông chủ tế và con trâu. Chủ tế mặc quần áo đỏ dắt trâu ra đồng, trên đầu trâu, giữa hai sừng kết bông hoa vải đỏ xuống ruộng, mở đường cày đầu tiên cho vụ mùa. Trai làng ra té nước chào ông chủ tế, tin rằng ông có ướt đẫm từ đầu tới chân thì vụ mùa mới tốt quanh năm. Xong đường cày, ông chủ tế được rước về đình làng làm cỗ bàn chung vui. Ngày nay, Phù Long chia thành Phù Long A, Phù Long B vừa là khu dân cư vừa là khu công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, cửa hàng buôn bán mọc lên san sát, nhưng vẫn còn đó những con phố, nếp nhà tường mái rêu phong, những tên làng đã đi vào lòng người.
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, những ngôi làng cổ Nam Định hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương với những “tên đất, tên làng” đã đi vào sử sách vẫn đang được các nghệ nhân, các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Giá trị văn hoá những ngôi làng cổ một thời ở Nam Định đã tạo thành sức mạnh nội lực để người dân vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng