Nghệ thuật múa lân sư rồng ở Vĩnh Hào

08:12, 04/12/2015

Xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) là vùng đất cổ. Qua các phát hiện khảo cổ và các thần tích, ngọc phả, sắc phong, văn bia, đại tự, câu đối ở các đình, đền, vùng đất này được hình thành từ thời các Vua Hùng dựng nước. Trên địa bàn xã hiện vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa dân gian phong phú, trong đó có nghệ thuật múa lân sư rồng.

Đội múa lân sư rồng làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào chuẩn bị cho buổi tập.
Đội múa lân sư rồng làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào chuẩn bị cho buổi tập.

Theo các bậc cao niên ở xã Vĩnh Hào, nghệ thuật múa lân sư đã có truyền thống gần 100 năm ở các làng: Vĩnh Lại, Cựu Hào, Đại Lại, Tiên Hào, Hồ Sen. Ở làng Vĩnh Lại, từ năm 1920 đã có đội múa lân sư biểu diễn phục vụ nhân dân vào các dịp hội làng. Thời đó, đội múa lân sư làng Vĩnh Lại đã thể hiện được nhiều điệu múa khó kết hợp với những thế võ độc đáo như: Ngũ Phúc Lâm môn, Tứ Quý Hưng Long… Năm 1997, nhân dân địa phương và con em xa quê đã đóng góp hỗ trợ đội múa lân sư làng Vĩnh Lại mua thêm đôi rồng để luyện tập và biểu diễn. Hiện nay, đội múa lân sư rồng Vĩnh Lại có gần 50 thành viên duy trì sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Là môn nghệ thuật phối hợp tập thể nên nghệ thuật múa lân sư rồng đòi hỏi sự khổ luyện của các thành viên, nhất là phối hợp các động tác nhịp nhàng với tiếng trống. Ông Phạm Đình Nghi (76 tuổi), tay trống lão luyện trong đội múa lân sư rồng Vĩnh Lại cho biết: Trong múa tứ linh, bộ gõ có vai trò quan trọng vì người múa đầu lân chỉ có thể quan sát khoảng 30% còn người múa đuôi thì hầu như bị “bịt mắt”. Bởi vậy sự phối hợp giữa người điều khiển trống và người múa lân sư rồng phải nhịp nhàng, hòa quyện với nhau. Bên cạnh đó, múa tứ linh không chỉ đòi hỏi người biểu diễn phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mà còn phải dứt khoát trong từng động tác, cử chỉ. Người đóng vai lân sư rồng, hay vương tướng đều phải có những đòi hỏi riêng. Người mang đầu rồng thì phải mềm mại, uyển chuyển trong từng điệu uốn lượn, người mang đầu lân sư phải biết “diễu võ, giương oai”. Những người đóng vai vương, tướng ít nhiều phải biết võ nghệ, nhanh nhẹn trong từng điệu bộ, bước đi… Nét đặc sắc của đội lân sư rồng làng Vĩnh Lại là người được lựa chọn cầm ngọc lộ dẫn đường phải biểu diễn thành thục môn võ gậy cổ truyền. Bởi vậy, dưới sự điều khiển của người cầm ngọc, đội có thể biến hóa nhiều kiểu múa, khi “lắc đầu, vẫy đuôi”, lúc thành hàng một, lúc thành hàng đôi, đầu và đuôi rồng tương hợp với nhau, uốn khúc phóng đi hay đảo lại nhịp nhàng uyển chuyển… Đội lân sư rồng làng Vĩnh Lại có điệu múa rồng chầu đã trở thành “đặc sản”, được nhân dân háo hức đón xem trong các hội thi, hội diễn ở địa phương. Vừa qua, tại Hội thi múa rồng - múa sư tử tổ chức vào dịp khai mạc Lễ hội Phủ Dầy 2015, đội múa lân sư rồng Vĩnh Lại đại diện cho xã tham dự đã xuất sắc giành giải nhất chung cuộc. Hằng năm, đội lân sư rồng Vĩnh Lại còn biểu diễn ở dịp khai hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên), biểu diễn tại Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát thuộc quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản)… Vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, lễ mừng thọ đầu xuân, lễ hội truyền thống tại làng (10-2 âm lịch) diễn ra nhiều trò chơi dân gian, trong đó không thể thiếu tiết mục múa rồng.

Ra đời sau đội múa lân sư rồng làng Vĩnh Lại, đội rồng làng Cựu Hào (thành lập năm 2010) hiện có gần 30 thành viên sinh hoạt. Không có truyền thống múa rồng lâu năm nên khi mới thành lập các thành viên trong đội phải tự học các kỹ thuật múa rồng trên băng, đĩa. Với sự kiên trì luyện tập liên tục, hiện tại các tiết mục múa sư rồng của đội đã trở nên thuần thục. Đội thiên về các động tác kỹ thuật tạo điểm nhấn như: cuốn thủy, rồng ấp… Hiện nay, đội rồng làng Cựu Hào đã đóng góp những tiết mục đặc sắc vào dịp Tết Trung thu và các lễ hội hằng năm ở địa phương. Ngoài ra, tại các làng Tiên Hào, Hồ Sen, Đại Lại đều duy trì hoạt động của các đội múa lân với 10-15 người tham gia. Trong mỗi đội, ngoài người múa lân sư còn nhiều vai như thằng hề, thằng ngô, người múa sinh tiền, ông Địa cầm quạt mo; ngoài ra còn người gõ trống, thanh la, não bạt, người cầm đèn màu, cờ ngũ sắc… Để chuẩn bị tiết mục múa lân sư ngày hội, các đội múa lân phải luyện tập hằng tháng. Trong khi biểu diễn, các động tác múa phải thể hiện đầy đủ những cung bậc tình cảm phức hợp “hỉ, nộ, ái, ố” phối hợp với những động tác múa đúng nhịp điệu hợp với tiếng trống, thanh la, não bạt nhằm thể hiện hình tượng và tính cách của từng nhân vật. Nếu như ở các CLB múa lân chuyên nghiệp, các diễn viên chỉ đóng chuyên một vai, thì các đội múa lân ở xã Vĩnh Hào mỗi thành viên đều có thể thủ diễn nhiều vai diễn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghệ thuật múa lân sư rồng ở Vĩnh Hào được duy trì và phát triển như hiện nay một phần do nguồn nhân lực ổn định. Hầu hết những thành viên trong các đội múa lân sư rồng đều ở trong độ tuổi lao động, tập trung làm việc ở gần địa phương (KCN Bảo Minh) nên dễ dàng tập hợp, sinh hoạt luyện tập mỗi dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn xã những năm qua luôn được đẩy mạnh, các trang phục, đạo cụ biểu diễn, đầu lân sư rồng đều được nhân dân địa phương và con em xa quê hỗ trợ kinh phí mua sắm, gây quỹ hoạt động.

Hoạt động của các đội múa lân sư rồng ở xã Vĩnh Hào đã đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ, cổ vũ tinh thần cho nhân dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com