Bến đò quê ngày trước sừng sững một cây cơm nguội cổ thụ, trầm mặc đổ bóng che mát cái quán nhỏ ven đường là chỗ dừng chân cho người qua lại trong lúc đợi đò.
|
Ảnh: Internet |
Mùa xuân, cây cơm nguội trổ lộc nõn đỏ như son. Rồi chẳng mấy chốc, màu xanh dịu mát như cốm mới của lá non đã phủ khắp cành cao, cành thấp. Cuối thu, lá cơm nguội vàng tươi, rồi chuyển sang đỏ ối, khi cái lạnh của những đợt gió mùa đông bắc tràn về thì ào ạt rụng đầy thảm cỏ. Những ngày hè oi bức, cái quán nhỏ ven đường thường rất đông khách ngồi uống nước chè tươi để tận hưởng bóng râm cây cơm nguội và những ngọn gió mát rượi từ sông. Người dân mạn Ninh Cường lỉnh kỉnh xe thồ và những thúng đầy ắp rau xanh, khoai tía riềng, hoa quả vườn nhà mang sang chợ bên kia sông để bán, trong lúc đợi đò nói chuyện râm ran. Cây cơm nguội bao năm lặng thầm đứng đó, quen thuộc đến nỗi chẳng mấy ai để ý. Chỉ bọn trẻ xóm Đê nghèo chúng tôi là thân thiết, gắn bó với cây như người bạn. Dưới gốc cơm nguội sần sùi, thô ráp với những cái rễ nổi hẳn lên mặt đất như những con trăn, chúng tôi bao lần ngồi ngóng mẹ đi bán rau ở chợ bên kia sông. Những ngày đắt hàng, rau bán hết, đò chưa cập bến, bọn trẻ đã nhìn thấy mẹ đứng vẫy vẫy tay, khuôn mặt rạng rỡ. Chúng tôi lội hẳn xuống mép nước, đỡ thúng cho mẹ, lật chiếc vỉ buồm để tìm quà mẹ mua. Chỉ là mấy cái bánh đa vừng giòn tan, ít lạc luộc thơm bùi hoặc vài thanh bỏng gạo ngọt ngào vị mật mà nhớ mãi. Cả những ngày chợ ế, đã gần trưa, bao chuyến đò sang mà chưa thấy cái dáng tảo tần của mẹ, chúng tôi lại bồn chồn, lo lắng không yên, nhặt lá cơm nguội vàng thả xuống sông làm thuyền cho quên thời gian chờ đợi. Rồi những buổi trưa không ngủ, mấy đứa con trai nghịch ngợm trèo lên cây tìm tổ chim lấy trứng hoặc hái những chùm quả nâu đen nhỏ như viên bi xe đạp, chia nhau nhấm nháp vị chua chua, chát chát.
Bến đò quê thuở trước giờ nhường chỗ cho cây cầu phao dập dềnh trên sóng nước, ô tô xe máy chỉ mất năm, mười phút là sang được bờ bên kia. Những con đò chèo tay vắng bóng. Con đường được mở rộng, cái quán nhỏ và cây cơm nguội đều không còn nữa. Mỗi lúc về quê, nhìn khoảng đất trống nơi cây cơm nguội từng tỏa bóng, lại thấy thiếu vắng một cái gì thân thương lắm./.
Lam Hồng