Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới

09:11, 13/11/2015
Chứng kiến một đám cưới ở xóm Nguyễn My, xã Hải Thanh (Hải Hậu) theo quy ước nếp sống văn minh (NSVM), ai đến dự tiệc cũng nhận ra rằng để đám cưới vui và ý nghĩa không nhất thiết phải tổ chức cỗ bàn linh đình, tốn kém. Ông Phạm Văn Phượng, người tổ chức tiệc cưới cho con trai chia sẻ: Nếu theo lệ cũ, gia đình tôi phải chuẩn bị khoảng 40 mâm cỗ chi phí lên tới hàng chục triệu đồng. Nhà tôi lại thuộc diện khó khăn nên việc tổ chức đám cưới là một gánh nặng rất lớn. Được sự vận động của Ban Văn hóa xã và MTTQ xã về thực hiện NSVM trong việc cưới, ông đã họp gia đình, xin ý kiến trưởng họ và thống nhất sẽ tổ chức đám cưới theo hướng văn minh, tiết kiệm. Theo đó, gia đình ông chỉ làm cỗ cho người thân ở xa về, nguyên liệu làm các món ăn chủ yếu do gia đình tự tăng gia, sản xuất nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Về xóm 3, xã Hải Phương (Hải Hậu) chúng tôi được chứng kiến đám cưới người con trai út của gia đình ông Phạm Vũ Canh. Thực hiện hương ước mới của xóm, gia đình ông Canh tổ chức lễ cưới tại NVH xóm nên không phải thuê loa, đài, phông, rạp. Còn tại nhà riêng, gia đình tổ chức tiệc cưới trong phạm vi hẹp, chỉ mời anh em trong họ và một số người trong xóm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2014 ở xã Hải Phương nhiều đám cưới tổ chức tại các NVH xóm và hạn chế tình trạng ăn uống linh đình. Cách thức tổ chức này đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng vì tiện lợi, chi phí thấp.
Tại Thành phố Nam Định, cô dâu, chú rể trong ngày cưới thường đến dâng hương trước Tượng đài Trần Hưng Đạo để tưởng nhớ và thành kính tri ân công lao của vị Anh hùng dân tộc.
Tại Thành phố Nam Định, cô dâu, chú rể trong ngày cưới thường đến dâng hương trước Tượng đài Trần Hưng Đạo để tưởng nhớ và thành kính tri ân công lao của vị Anh hùng dân tộc.
Qua 2 năm thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở nhiều địa phương trong tỉnh dần đi vào nền nếp, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ. Đặc biệt, việc thực hiện NSVM trong việc cưới thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các thôn, xóm, tổ dân phố đều xây dựng và đưa việc thực hiện NSVM trong việc cưới thành quy ước nếp sống văn hóa của địa phương, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, làng văn hóa. Nhiều năm qua, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức phát động phong trào “Cưới vui tiết kiệm”, “CLB gia đình trẻ”, vận động đoàn viên thanh niên thực hiện cưới theo nếp sống mới. Nhờ đó, nhiều thủ tục rườm rà trong việc cưới đã được giảm bớt. Theo số liệu của Phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở VH, TT và DL), năm 2014 toàn tỉnh có gần 14.700 đám cưới, trong đó 100% số đám cưới được tổ chức đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, 13% đám cưới tổ chức theo hình thức tiệc ngọt, 2,3% đám cưới tổ chức theo hình thức báo hỉ, 14% đám cưới không mời thuốc lá... Hiện nay, các đám cưới đều tổ chức bảo đảm thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhiều nghi thức truyền thống như chạm ngõ, lễ hỏi... được giản lược nhưng vẫn bảo đảm tính trang trọng, truyền thống. Ở nhiều địa phương, lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trước ngày cưới 1 ngày; lễ đón dâu được tổ chức trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương và sự tiến bộ chung của xã hội. Tại huyện Giao Thủy, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về xây dựng quy ước nếp sống văn hóa, Huyện ủy Giao Thủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 14-5-2013 về “Thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”. Đến nay, gần 60% số xã, thị trấn trong huyện đã ban hành quy chế NSVM của địa phương. Với việc quan tâm chỉ đạo của huyện, “việc cưới” ở các xã, thị trấn đã có bước chuyển biến tích cực. Tại xã Giao Phong, nam nữ đủ tuổi kết hôn khi đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn phải có đơn đề nghị, nộp đủ giấy tờ theo quy định tại bộ phận hành chính “một cửa”; UBND xã tổ chức đăng ký kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình tại trụ sở UBND xã, có sự chứng kiến và ký cam kết thực hiện NSVM của hai bên gia đình. Việc tổ chức đám cưới được thực hiện theo quy định NSVM, lành mạnh, gọn nhẹ, tiết kiệm, hạn chế việc ăn uống linh đình lãng phí; nghiêm cấm dùng nhạc sống, đèn chớp, đèn nháy, đèn khói… Việc tổ chức đưa đón dâu phải chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT và trật tự công cộng. Ở một số xã trong huyện Giao Thủy như: Giao Tiến, Hoành Sơn, Giao Nhân còn quan tâm hỗ trợ gia đình tổ chức lễ cưới về thiết bị âm thanh, trang trí, chương trình văn nghệ, người dẫn chương trình... Ở huyện Vụ Bản, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt việc tổ chức cưới theo NSVM. Hiện nay, trên 70% số đám cưới trên địa bàn huyện được tổ chức theo NSVM, trong đó số gia đình cán bộ, đảng viên chiếm tỷ lệ 90%... Ngoài ra, một số nét đẹp văn hóa đã hình thành trong các đám cưới. Tại một số xã của huyện Vụ Bản, trước đám cưới, cô dâu, chú rể đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, trồng cây lưu niệm. Tại Thành phố Nam Định, khi xe đưa đón dâu qua Quảng trường 3-2, mọi người dừng lại thắp hương trước Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo... 
 
Để tiếp tục thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nhất là thời điểm mùa cưới đang diễn ra, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện NSVM để ngày cưới ở các gia đình thực sự hạnh phúc, an toàn, tiết kiệm./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com