Trời đã sang đông, những cây bàng, bằng lăng trên phố lá đã bắt đầu chuyển màu đỏ ối. Cơn mưa cuối chiều càng làm cái lạnh đầu đông như thấm vào da thịt. Vội vã trở về nhà, chợt nhớ những buổi chiều giao mùa như thế này của một thời đã xa với món xôi sắn bùi ngậy, nóng hổi, thơm lừng gian bếp nhỏ.
|
Ảnh: Internet |
Cũng như ngô, khoai, cây sắn một thuở gắn bó, sẻ chia khó khăn với người dân miền quê nghèo những khi mùa màng thất bát. Tháng ba ngày tám, khi thóc trong bồ đã cạn gần trơ đáy, củ sắn khô thái lát mỏng nấu độn với cơm đã giúp bao gia đình quê tôi vượt qua thời điểm giáp hạt. Bột sắn ngào với nước và chút mật mía, vo thành những chiếc bánh tròn, thả vào nồi nước sôi cho đến khi nổi lên thì vớt ra rổ để nguội và ráo, ăn dẻo dẻo, thơm thơm, trẻ con đứa nào cũng thích. Nhưng trong ký ức của tôi, món xôi sắn mới thật nhiều dư vị. Thường vào đầu đông, những cây sắn gạc nai trong vườn lá chuyển màu vàng tươi, rụng trơ ra những thân cành khẳng khiu, gầy guộc là đến mùa thu hoạch. Chọn ngày nắng ráo, cả nhà đi dỡ củ. Thân cây được chặt gần sát gốc rồi cắt thành từng đoạn ngắn, bó lại, để vào nơi ẩm mát làm giống cho mùa sau. Bố mẹ tôi dùng cuốc nhẹ nhàng bới đất rộng vòng quanh hốc sắn cho đến khi chùm củ lộ ra một phần thì từ từ kéo lên. Chúng tôi sung sướng được giao nhiệm vụ khiêng những rổ sắn đầy ắp còn lấm lem đất cát mang về nhà. Chiều hôm ấy, thế nào mẹ cũng chọn ra mấy củ sắn tươi ngon chỉ ngắn bằng cườm tay, trông béo mẫm để làm món xôi. Sắn vừa dỡ xong, chỉ cần dùng tay cũng lột được lớp vỏ lụa, lộ ra phần thịt trắng ngần. Mẹ cắt sắn thành khúc, ngâm vào nước vo gạo có pha chút muối để sắn ra hết nhựa, rửa sạch rồi trộn đều với gạo nếp đã ngâm mềm, cho vào chõ. Dưới đáy và bên trên chõ xôi, mẹ còn rải một lớp lá tám để vừa tạo mùi thơm, vừa giúp cho hạt gạo được chín thấu. Chúng tôi đi học về, đang lúc mưa rét lạnh cóng cả người, đến ngõ đã ngửi thấy mùi thơm nức của món xôi sắn. Mẹ nhanh tay đơm cho mỗi đứa một bát, âu yếm nhìn các con háo hức vét đến hạt xôi cuối cùng.
Món xôi sắn của một thời gian khó, chỉ có ít hạt nếp căng mọng bám bên ngoài lớp sắn bở tơi, ăn kèm với muối vừng, hôm nào “sang” lắm thì có thêm chút mỡ lợn phi hành khô rưới lên trên, vậy mà mỗi lần nhớ đến lại thèm đến nao lòng./.
Lam Hồng