Trước đây, ở các vùng nông thôn thường có ông cắt tóc dạo đi khắp các đường dong, ngõ xóm để phục vụ bà con.
|
Ảnh: Internet |
Ông cắt tóc dạo hay đến xóm tôi có tên, có tuổi hẳn hoi, nhưng thường được người dân quê tôi yêu mến gọi bằng cái tên gắn với nghề của mình. Thường thì vào các buổi sáng hoặc buổi chiều, lúc thời tiết mát mẻ là ông xuất hiện, vừa đi dọc con đường làng rợp bóng cây xanh mướt, vừa cất giọng trầm ấm, quen thuộc: “Ai cắt tóc đơi…”. Ông chọn một chỗ có bóng cây to, giở đồ nghề ra, chuẩn bị sẵn. Bộ đồ nghề của ông thật đơn giản với những dụng cụ thủ công gọn nhẹ đựng trong chiếc túi vải bạt đã cũ sờn, gồm chiếc kéo, dao cạo, chiếc tông đơ, bình xịt nước, chiếc lược sừng đen bóng. Một chiếc ghế gập êm ái bởi chỗ ngồi được “thiết kế” từ những chiếc săm, lốp xe đạp hỏng đóng trên khung gỗ. Ông cắt tóc treo chiếc gương lên thân cây để khách có thể tận mắt ngắm nghía quá trình thay đổi mái tóc của mình. Nghe tiếng rao của ông cắt tóc dạo, các cụ ông, thanh niên và cả đám trẻ con trong xóm lục tục kéo ra. Thường thì người già và trẻ con được ưu tiên cắt trước. Sau khi khách hàng đã ngồi ngay ngắn, thoải mái trên chiếc ghế gỗ, ông lão mới nhẹ nhàng chải tóc, xịt một chút nước lên để tóc khỏi bay lòa xòa, dễ vào nếp rồi đều tay nhấp kéo, tỉa gọn gàng mái tóc theo yêu cầu của khách. Ông cắt tóc rất nhanh, đẹp, cẩn thận, lại khéo chiều khách nên mỗi lần đến xóm tôi ai cũng thích. Người cắt tóc nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng tùy theo nhu cầu của khách mà ông tư vấn và cắt kiểu tóc ưng ý nhất cho họ. Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy thích nhất là được ông tỉa cho kiểu tóc trái đào ngộ nghĩnh, vừa gọn gàng, vừa mát mẻ. Dưới bóng cây xanh mát, trong khung cảnh bình yên của làng quê, mọi người vừa cắt tóc, vừa chuyện trò râm ran đủ thứ chuyện trong làng, ngoài xóm. Tiếng lách cách của tông đơ, tiếng xoèn xoẹt của lưỡi kéo lướt những đường mềm mại trên mái tóc nghe thật vui tai. Những người phải chờ đợi, chưa đến lượt cũng chẳng có gì phải vội vàng, sốt ruột, vì đã mang theo ấm chè tươi nóng hổi ra mời nhau hoặc giở bàn cờ tướng ra để so tài.
Bây giờ ở các làng quê đã mở ra nhiều hàng cắt tóc lịch sự, đẹp đẽ nên những ông hàng cắt tóc dạo ngày càng vắng bóng. Thỉnh thoảng về quê, những người hoài cổ như tôi thường bùi ngùi mong tìm lại một ông cắt tóc dạo như để nhớ về một hình bóng xưa cũ mà thân thuộc./.
Lam Hồng