Trên địa bàn tỉnh hiện có 328 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Trần, chùa Phổ Minh), 81 di tích cấp quốc gia, 246 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý, huy động các nguồn lực bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh ta đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VH, TT và DL quan tâm chỉ đạo. Nhiều di tích có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đúng nguyên trạng, phát huy giá trị giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Hằng năm, cùng với việc khảo sát, nghiên cứu các di tích để lập hồ sơ khoa học và pháp lý trình UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; đề nghị Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia các di tích cấp tỉnh đủ tiêu chuẩn, Ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở VH, TT và DL) đẩy mạnh thực hiện việc chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo các di tích trong dự án được Nhà nước xếp hạng. Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn di tích và nguồn kinh phí của tỉnh, thời gian qua, nhiều di tích trong tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo khang trang đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Năm 2009, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) với kinh phí gần 25 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và từ nguồn xã hội hóa. Các hạng mục được tu bổ, tôn tạo bao gồm: Tu bổ tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, đền Thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, tôn tạo hai hành lang tả, hữu. Hiện nay, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa và đền Thánh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo, bảo tồn được nguyên trạng kiến trúc di tích. Năm 2014, Sở VH, TT và DL phối hợp với UBND huyện Nam Trực khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đền Gin, xã Nam Dương với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền chính, giải vũ nội, ngoại; các hạng mục tôn tạo gồm: bình phong, hạng mục cửa, giếng, ao, vườn…
Múa sư tử trong lễ hội Trần 2015 tại Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). |
Ngoài di tích đền Gin, Sở VH, TT và DL phối hợp với Cục Di sản Văn hoá lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đại Bi và được phê duyệt gồm các hạng mục tu bổ là Tam quan, Tam bảo, Nhà mẫu, Nhà tổ; hành lang tả hữu với các phương án tu bổ được thiết kế chi tiết. Hiện nay, hạng mục Nhà tổ chùa Đại Bi đang được tôn tạo, lợp ngói và lát nền. Từ năm 2008 đến nay, với nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương và khách thập phương, chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được đầu tư, tôn tạo với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND xã Xuân Hồng còn quy hoạch và xây dựng bãi đỗ xe rộng gần 4.000m2; xây dựng một số công trình phụ trợ để phục vụ nhân dân tham gia lễ hội. Cùng với sự vào cuộc tích cực của Sở VH, TT và DL, các địa phương có di tích đã có hướng đi đúng, cách làm sáng tạo trong công tác huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Huyện Hải Hậu hiện có 31 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Những năm qua, Phòng VH-TT huyện phối hợp với các đoàn thể trong huyện như: MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách xã, kinh phí từ chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, các địa phương có di tích trong huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa giữ nguyên kiến trúc gốc. Tiêu biểu như: Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung được phục dựng lại hệ thống chùa chính, gác chuông với tổng kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương tiến cúng. Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh xây dựng nhà khách, trùng tu nhà tổ, thay các vì kèo đã xuống cấp với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đền An Phú, xã Hải Phong xây dựng lại hệ thống bờ rào, các mảng chạm khắc rồng phượng với kinh phí hàng trăm triệu đồng do nhân dân trong và ngoài địa phương công đức. Huyện Giao Thủy hiện có 25 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm UBND huyện đã tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn; các thủ từ, trụ trì các đền, chùa được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di tích, đến nay đền, chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến đã được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến được trùng tu với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Đền Hoành Đông, Thị trấn Ngô Đồng trùng tu với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đình Đan Phượng, xã Giao Yến trùng tu với kinh phí 300 triệu đồng. Đình Vuông, xã Giao Phong tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Huyện Mỹ Lộc có hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá bao gồm đình, đền, chùa, miếu, từ đường dòng họ, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Nhà nước như: Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành; đền Bảo Lộc, đền - chùa Lựu Phố, xã Mỹ Phúc; đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận; đình Cả, xã Mỹ Trung; đình Đồng Mai, xã Mỹ Thắng… Năm 2009, đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận được phục dựng nguyên trạng kiến trúc cổ mang đậm phong cách thời Hậu Lê với kinh phí trên 8 tỷ đồng từ nguồn đầu tư Nhà nước và xã hội hóa. Năm 2012, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tài trợ xây dựng cây cầu nối từ làng Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc vào khu lăng mộ Đức Thánh Trần với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và khách thập phương khi về dâng hương, tưởng niệm Đức Thánh Trần. Ngoài ra, nhiều công trình di tích tại xã Mỹ Thắng được trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa như: đền Sắc được tu bổ với kinh phí trên 10 tỷ đồng; đình Mỹ trùng tu với kinh phí 2 tỷ đồng; chùa Sắc tu bổ với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; chùa Đoài, chùa Kim, chùa Nội, chùa Thịnh được tôn tạo, tu bổ với kinh phí từ 300 triệu đến 500 triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý di tích và danh thắng xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá. Các địa phương có di tích tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá nhằm nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tăng cường công tác xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ, bảo tồn các di tích theo đúng kiến trúc truyền thống./.
Bài và ảnh: Viết Dư