Góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống

08:11, 27/11/2015

Vào các tối cuối tuần ở khu vực hồ Vị Xuyên (TP Nam Định), các thành viên CLB Sáo trúc Nam Định lại cùng nhau tấu sáo, luyện tập những làn điệu dân ca truyền thống thu hút đông đảo nhân dân đến nghe, cổ vũ.

CLB Sáo trúc Nam Định được thành lập năm 2010, ban đầu có 20 thành viên chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên đam mê tiếng sáo trúc. Chơi sáo đã 10 năm, anh Tô Văn Thái (32 tuổi) là người đầu tiên có ý tưởng lập ra CLB Sáo trúc Nam Định và hiện cũng là thành viên Ban quản trị của CLB. Sinh ra tại xã Hồng Quang (Nam Trực), một vùng quê có nhiều giá trị văn hóa truyền thống nên anh Thái có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu về các loại hình nhạc cụ dân tộc. Anh cho biết, thuở nhỏ, mỗi lần được xem biểu diễn múa rối nước, âm hưởng dân gian vang lên khi các tích trò rối nước được biểu diễn khiến anh và các bạn đồng trang lứa say mê rồi bắt đầu “học vẹt” để chơi một số nhạc cụ. Năm 2005, khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Thái mua sách nhạc lý về tự học và đặc biệt quan tâm tới nhạc cụ sáo trúc. 5 năm luyện tập khá thành thạo nhạc cụ sáo trúc nên sau khi về công tác ở Trường THPT Quang Trung (Nam Trực) anh đã nảy ý tưởng quy tụ những người có cùng đam mê, sở thích chơi sáo trúc để thành lập CLB Sáo trúc Nam Định. Có sẵn nghiệp vụ sư phạm, anh đã cụ thể hóa các kiến thức về kỹ thuật thổi sáo bằng các giáo trình tự biên soạn để dạy miễn phí cho các thành viên. Tham gia CLB, các thành viên mới đều được anh hướng dẫn tận tình từ cách cầm sáo, chức năng của từng lỗ trên sáo đến những kỹ thuật cơ bản như: lưỡi đơn, điều khiển hơi bằng cổ, lấy hơi ở bụng... Những bản nhạc đơn âm dễ tập như: “Làng tôi”, “Ước mơ”, “Chúc bé ngủ ngon”... tạo hứng thú cho những người mới bắt đầu làm quen với sáo trúc. Sau một thời gian luyện tập, các thành viên trong CLB đã biết biểu diễn hòa tấu sáo các bài khó hơn như: “Bèo dạt mây trôi”, “Làng quan họ quê tôi”… Theo anh Thái, để các thành viên có được sự tự tin khi biểu diễn và quảng bá tiếng sáo trúc rộng rãi đến người dân, CLB đã chọn những địa điểm công cộng là nơi luyện tập như hồ Truyền Thống, hồ Vị Xuyên... Bên cạnh đó, anh đã lập trang Fanpage trên Facebook mang tên “Sáo Trúc Nam Định” và forum “Club Sáo Nam Định” trên trang web “tieusao.vn” thu hút trên 1.000 người tham gia đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm thổi sáo.

Một buổi luyện tập của các thành viên CLB Sáo trúc Nam Định.
Một buổi luyện tập của các thành viên CLB Sáo trúc Nam Định.

Nhờ những cách làm sáng tạo trong duy trì và phát triển hoạt động, đến nay CLB Sáo trúc Nam Định đã có trên 100 thành viên ở 8 đội sinh hoạt ở các địa phương, các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là các đội sáo trúc phường Lộc Hạ (TP Nam Định), Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), Trường THPT Nam Trực, Trường THPT Quang Trung (Nam Trực), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… Bác Vũ Khắc Phùng (72 tuổi) chủ nhiệm đội sáo trúc phường Lộc Hạ (TP Nam Định) đã mở các lớp học sáo miễn phí cho hàng trăm người yêu sáo. Hiện nay, tại các lớp sáo trúc của bác, các học viên chủ yếu là sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định… Kể về thú vui làm sáo, thổi sáo trúc, bác Phùng cho biết: Sáo có nhiều loại, như: Sáo Đô, sáo Rê, sáo Mi… và để đảm bảo được độ chuẩn của âm thanh, trúc được chọn phải là những cây trúc già, có đường kính phù hợp và đòi hỏi độ chính xác cao trong việc khoét lỗ, chỉnh âm… Với việc sử dụng đôi tai cảm âm và đôi tay khéo léo để làm sáo trúc, cây sáo do bác làm ra không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đảm bảo chất lượng. Bên cạnh việc làm sáo, để phục vụ lớp học sáo bác Phùng thường xuyên ra thư viện tỉnh cập nhật các giáo trình nhạc lý, sau đó ghi chép cẩn thận làm tài liệu cho các học viên. Em Trần Tuấn Anh, quê ở Yên Bái, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định chia sẻ: “Khi chưa biết đến đội sáo trúc Lộc Hạ và CLB Sáo trúc Nam Định, ngoài giờ học, em chỉ biết chơi games để giải trí, nhưng từ khi tham gia lớp học sáo do bác Phùng dạy miễn phí, em vừa biết thổi sáo vừa có thêm nhiều người bạn mới cùng nhau chia sẻ về sáo, về kiến thức học ở nhà trường”. Ở các đội thuộc CLB Sáo trúc Nam Định, các thành viên mới đều được những người có kinh nghiệm tận tình hướng dẫn. Khi kỹ thuật của các thành viên dần nâng cao, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu và trao đổi kỹ năng chơi sáo trúc cùng các CLB Sáo trúc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam... Qua giao lưu, các CLB sáo trúc cùng nhau gắn kết tạo nên một cộng đồng vững mạnh cả về quy mô và chất lượng cho những người yêu sáo trúc. Thành công của CLB Sáo trúc Nam Định là nhiều thành viên trong CLB đại diện cho trường học, địa phương tham gia biểu diễn các chương trình giao lưu nghệ thuật quy mô lớn. Tiêu biểu là em Viết Đạt, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định), là một trong những thành viên tích cực của CLB Sáo trúc Nam Định từ năm 2012. Vừa qua, Viết Đạt đã đoạt HCV cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc năm 2015. Hiện nay, em đang là sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia.

Hoạt động của CLB Sáo trúc Nam Định đã góp phần phát triển phong trào văn nghệ ở các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh. Giờ đây, âm thanh sáo trúc không còn xa lạ với các bạn trẻ khi họ được đắm mình trong sân chơi giải trí lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần vào việc giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com