Giá trị nghệ thuật của các di sản văn hoá ở Trực Ninh

09:11, 13/11/2015
Trực Ninh là vùng quê hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hơn 100 di tích lịch sử - văn hóa gồm: đình, đền, chùa, từ đường, dòng họ. Các di tích lịch sử - văn hóa là các di sản văn hóa vật thể, là bằng chứng xác thực, cụ thể, là nơi ghi dấu truyền thống văn hóa, lịch sử ở mỗi địa phương. Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến cố của thời gian, các di tích lịch sử - văn hóa ở Trực Ninh đến nay vẫn lưu giữ khá đầy đủ những giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền, Chùa Cự Trữ, xã Phương Định.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đền, Chùa Cự Trữ, xã Phương Định.
Trong hệ thống các di sản văn hoá, Trực Ninh hiện có 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu là Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), Đền - Chùa Cự Trữ, Đền - Chùa Cổ Chất (xã Phương Định), Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), Chùa Ninh Cường (xã Trực Cường), Đền Tuân Lục (xã Liêm Hải). Các di tích được xếp hạng đều có giá trị về lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật. Di tích lịch sử chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ) được khởi dựng từ thời Lý nhưng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, nhiều dấu tích cổ xưa đã bị phai mờ, hoang phế. Chùa Cổ Lễ có nhiều nét khác với những ngôi chùa cổ ở Việt Nam bởi sự kết hợp khéo léo các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gô-tích của Gia tô giáo. Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể kiến trúc hoàn chỉnh bao gồm: Cổng chùa, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, cầu cuốn, tam quan, nhà hội quán, đền Thánh, đền Mẫu, hai cầu núi, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, tòa kim chung bảo các, vườn tháp... Chùa Cổ Lễ hiện lưu giữ được nhiều di vật văn hóa quý hiếm như: Tượng đức Phật Thích Ca cao 4,20m ngự trên tòa sen trong tư thế nhập Thiền, phía sau có vầng hào quang tỏa sáng; một chuông đồng thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); một chuông đồng nặng hơn 9 tấn đúc năm 1936; một trống đồng trơn tương truyền từ thời Lý; một lá cờ thần hai mặt ghi: “Nam thiên Thánh tổ” và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền chải dùng để thi bơi trong lễ hội truyền thống. Cũng giống Chùa Cổ Lễ, di tích lịch sử Chùa Cổ Chất, xã Phương Định cũng mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Lý, qua đó, dần dần hình thành một vệt văn hóa Phật giáo dân tộc theo lối “tiền Phật, hậu Thánh” gắn với các vị Thiền sư. Còn tại di tích lịch sử chùa Cự Trữ, xã Phương Định, các hạng mục kiến trúc ngôi chùa có sự kết hợp đan xen của các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) cho đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngôi chùa là nơi bảo tồn, lưu giữ những đường nét kiến trúc mang đậm bản sắc truyền thống. Trải qua thời gian, toàn bộ khu di tích này vẫn được nhân dân quan tâm, thường xuyên tôn tạo nên vẫn giữ được sự bền vững cùng tính nguyên bản của các sắc thái hoa văn. Tổng thể Chùa Cự Trữ được xây theo bình đồ kiến trúc hình chữ sơn, hai bên là đền thờ Đức Ông và phủ Mẫu. Toàn bộ công trình được xây cuốn vòm, đổ trụ vuông. Tất cả các cấu kiện tại di tích đều được làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo: rồng, hoa lá, mặt hổ phù… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII. Những đề tài chạm khắc này không chỉ bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình mà còn thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của người dân trong giai đoạn lịch sử đó. Di tích lịch sử Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải thờ quan huấn đạo Đỗ Công Hạo, là người đầu tiên mở mang nền học vấn cho nhân dân trong làng và có công phò giúp triều đình nhà Lê sơ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Đền Tuân Lục còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức thánh Triệu Việt Vương cùng các vị thần như: Nam Hải chi thần, Cao Sơn thượng đẳng thần, Nam Hải Phạm Đại Vương và Hải thượng đẳng thần. Để ghi nhận công đức của các vị thần, tại di tích còn lưu giữ được hệ thống các đạo sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, cùng với đó là hệ thống các hiện vật như tượng thờ, ngai, bài vị, chuông đồng, sấu gỗ… có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và khẳng định được giá trị lịch sử của di tích. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, các hạng mục tại đền Tuân Lục được nhân dân bảo vệ, giữ gìn càng làm tăng sự bền vững và giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của di tích. Tại đền Tuân Lục, hằng năm diễn ra một số kỳ lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc nhằm tôn vinh công đức của các vị thần. Tiêu biểu là kỳ lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng để kỷ niệm ngày sinh của quan huấn đạo Đỗ Công Hạo. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức như: Dâng hương, tế lễ, đặc biệt là trò chơi dân gian “cướp Trái” không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân mà còn thể hiện tinh thần thượng võ, tri ân công đức của Thành hoàng làng. Những hình thức sinh hoạt văn hóa được tổ chức tại Đền Tuân Lục mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công lao của các vị thần và những bậc tiền bối có công với quê hương, đất nước. Chùa Ninh Cường, xã Trực Cường là nơi lưu giữ những lễ hội văn hóa sống động của cả tổng Ninh Cường xưa (nay là ba xã Trực Cường, Trực Thái, Trực Phú). Lễ hội xuân được diễn ra ba năm một lần với các nghi thức tế lễ dâng cơm mới lên tổ lập làng, tế thần đất, thần lúa với sự tham gia của cả đồng bào Công giáo và Phật giáo cùng các trò chơi dân gian như: múa sơn lâm, kéo co, chọi gà, chơi cờ người, thi nấu cơm, nấu cỗ... Tất cả không chỉ làm phong phú các hoạt động văn hóa tinh thần mà còn thể hiện tính đặc trưng tiêu biểu của cư dân nông nghiệp… Tại di tích lịch sử đền, chùa Cổ Chất, xã Phương Định vào ngày 15-3 âm lịch hằng năm diễn ra lễ hội truyền thống của địa phương. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian khác như: cờ tướng, đấu vật, bơi chải... Trong lễ hội tại di tích lịch sử Đền, Chùa Cự Trữ có khu trưng bày sinh vật cảnh và gian thơ ca ngợi quê hương, đất nước, phản ánh nhiều mặt đời sống sinh hoạt của làng quê. Tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
 
Các di tích lịch sử - văn hóa ở Trực Ninh từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của khách thập phương trong và ngoài nước. Về di tích, du khách không những được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mà còn có dịp để lễ Phật, tưởng nhớ tới công tích của những người đi trước để lại, tắm mình trong cõi tâm linh hướng tới “chân - thiện - mỹ”./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com