Ý Yên bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của hệ thống cổng làng

07:10, 03/10/2015

Ý Yên là vùng đất cổ, giàu bản sắc văn hoá truyền thống thể hiện đậm nét ở hệ thống di sản văn hoá phong phú, đa dạng. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, hệ thống cổng làng là biểu tượng của văn hoá truyền thống của các địa phương trong huyện.

Trên địa bàn huyện hiện có trên 50 cổng làng, bao gồm những cổng làng cổ được xây dựng lâu đời và những cổng làng được xây mới hiện đại. Trải qua thời gian, nhiều cổng làng cổ ở Ý Yên đến nay đã không còn mới nhưng mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng tuỳ theo đặc điểm của làng, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các làng nghề truyền thống như: làng nghề sơn quang Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá. Phần lớn cổng làng cổ ở Ý Yên được xây dựng từ lâu, song cũng có nhiều cổng được xây dựng trong vài năm trở lại đây với quy mô lớn và nghệ thuật kiến trúc hiện đại nhưng kiểu dáng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống; tiêu biểu như cổng làng Độc Bộ, cổng làng An Lại (Yên Nhân), cổng làng Vạn Điểm (Thị trấn Lâm), cổng làng Phúc Lộc (Yên Thắng)... Các cổng làng ở Ý Yên về tổng thể là những công trình kiến trúc cổ mặc dù bị chi phối bởi bản sắc văn hóa địa phương song đều có điểm chung gồm các mảng kiến trúc liên kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa. Về vòm cổng, tuỳ theo địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện cho người dân. Ở phần trụ cổng, mặt trước thường có câu đối bằng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ, nội dung nói về phong tục, tập quán, đặc trưng, thành tích chung hoặc định hướng, triết lý phát triển của làng. Phần mặt cổng thường trang trí bằng đại tự là tên của làng, hoặc thể hiện phương châm xử thế, mang cốt cách của làng. Nhiều làng trang trí cổng bằng những cặp câu đối cầu kỳ mà qua đó, nếu xem cách trang trí và nội dung có thể biết được đời sống kinh tế và văn hóa của làng đó. Ngoài ra, phong cách kiến trúc, họa tiết trên cổng làng còn phụ thuộc vào địa hình, một số công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của làng như đình, đền, chùa để bảo đảm sự hài hòa cảnh quan kiến trúc cũng như phong thủy. Bởi vậy có nơi đắp hình “tứ linh”, có nơi sử dụng các họa tiết đơn giản hơn như đào, mai, lựu, tùng, hạc, trúc, mai tượng trưng cho ước vọng cuộc sống ấm no, đầy đủ, an lành. Nhiều địa phương có cổng làng lớn như: thôn Cẩm (Yên Dương), thôn Hoàng Mẫu, thôn Khang Thọ (Yên Lương), thôn Trực Mỹ (Yên Cường), thôn Trại Đường, thôn Phù Lưu (Yên Thắng)… Cổng làng xưa và nay đều rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu. Là những công trình kiến trúc ngoài giá trị về lịch sử - văn hóa, cổng làng còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng, xã nên cần được bảo tồn và lưu giữ. Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, lũy tre xanh trở thành những chiến lũy. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước… Cổng làng ngày nay dù được xây dựng cầu kỳ hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được những nét chạm trổ mang đậm sắc thái cổ kính xưa.

Cổng làng Khang Thọ, xã Yên Lương.
Cổng làng Khang Thọ, xã Yên Lương.

Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, đã có thời điểm cổng làng đang dần mai một. Để cổng làng phát huy giá trị trong công tác giáo dục văn hóa, niềm tự hào truyền thống của quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau, những năm gần đây, các làng quê ở Ý Yên nở rộ “phong trào” phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống với mục đích lưu giữ những giá trị văn hóa làng. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo hệ thống cổng làng xưa và nay trên địa bàn. Hằng năm, các xã, thị trấn đều thống kê những thôn xóm có cổng làng, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý đồng thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ những cổng làng đã xuống cấp, đầu tư xây mới và hoàn thiện hệ thống cổng làng ở những thôn, xóm chưa có. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân từng địa phương, đến nay, nhiều cổng làng ở các xã: Yên Dương, Yên Bình, Yên Thắng, Yên Lương... đã được phục dựng và xây mới. Năm 2010, cổng làng Trực Mỹ (Yên Cường) được xây dựng với kinh phí trên 50 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá. Năm 2014, cổng làng Độc Bộ, cổng làng Ngô Quyền và cổng làng An Lại (Yên Nhân) đã được phục dựng với kinh phí trên 200 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Năm 2015, từ nguồn kinh phí huy động của các cá nhân, tập thể và con em xa quê, cổng làng Phúc Lộc (Yên Thắng) được xây dựng với kinh phí trên 200 triệu đồng…

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phục dựng hệ thống cổng làng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân để huy động cộng đồng cùng chung tay gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá cổng làng nói riêng, các thiết chế văn hoá nói chung nhằm thể hiện rõ nét chiều sâu văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com