Huyện Giao Thuỷ hiện có trên 20 tốp, đội, CLB chèo quần chúng. Trong đó có nhiều CLB chèo hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương như: Giao Thanh, Giao Hải, Giao Xuân, Giao Nhân, Giao Hà, Giao Hương, Giao Châu...
|
CLB chèo Hương quê xã Giao Thanh biểu diễn phục vụ Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Đồng quê năm 2014. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
CLB chèo Hương quê xã Giao Thanh được thành lập từ năm 1976, là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật chèo. Các thành viên CLB là các diễn viên, nhạc công không chuyên tự mua sắm trang phục, nhạc cụ và tự dàn dựng các vở chèo cổ hoặc các hoạt cảnh chèo để biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước. Vượt ra khỏi cổng làng, CLB chèo Giao Thanh từng được mời đi biểu diễn tại Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam. Ông Bùi Văn Sơn, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB Chèo xã Giao Thanh hiện có 15 thành viên chủ yếu là nông dân, thợ xây, thợ điện… Họ họp nhau lại bởi niềm say mê với nghệ thuật chèo luôn hết mình trong từng vở diễn, từng trích đoạn, câu hát. CLB đã dàn dựng thành công nhiều vở chèo “kinh điển” như: Quan Âm Thị Kính, Thị Màu lên chùa, Trương Viên, Tấm Cám, Gieo gió gặt bão, Quai đê lấn biển… để phục vụ nhân dân. Ngoài việc tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, CLB thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ các hội nghị, các sự kiện lớn của huyện, của xã như: Hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua xây dựng văn hoá - NTM, lễ hội văn hoá ẩm thực đồng quê... Nhiều giọng chèo tiêu biểu của CLB như: Thành Nam, Bích Thục, Thu Huyền, Hồng Năm, Lệ Thanh, Minh Lý, Hồng Chín đã nhiều lần tham dự hội diễn văn nghệ của tỉnh; CLB Chèo Giao Xuân với “đặc sản” văn nghệ là những làn điệu chèo truyền thống, hát văn, quan họ, trích đoạn chèo cổ mà “diễn viên” là những người nông dân nơi đây biểu diễn phục vụ các tour du lịch sinh thái cộng đồng tại khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ ở địa phương. Chị Cao Thị Thắm, Chủ nhiệm CLB cho biết: Được thành lập năm 2004, CLB chèo xã Giao Xuân gồm 20 thành viên. Với niềm đam mê ca hát, họ thường xuyên tụ họp lại với nhau hát phục vụ các hoạt động cộng đồng trong làng, xã. Dù là diễn viên nghiệp dư song các thành viên trong CLB đều rất nhiệt tình và nghiêm túc với công việc. Những lúc có lịch biểu diễn, họ đều không kể ngày đêm luyện tập để phục vụ du khách. Một buổi biểu diễn của đội dài từ 30-40 phút, qua đó các thành viên trong đội đã giới thiệu về vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên ở địa phương cho khách tham quan. Ngoài việc say sưa luyện tập các tiết mục cũ, các thành viên trong đội còn tự biên, tự diễn các tiết mục mới, làm phong phú thêm chương trình biểu diễn phục vụ du khách. Tại các làng quê như: Hoành Nhị (Giao Hà), Kiên Hành (Giao Hải), Duyên Thọ (Giao Nhân) nghệ thuật chèo cũng đã thấm sâu vào đời sống sinh hoạt, trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân. Mỗi CLB chèo gồm 10-20 thành viên, tự làm các công việc từ hoà âm, phối khí, sáng tác và kiêm cả đạo diễn, diễn viên... Mặc dù còn nhiều khó khăn như thiếu kinh phí hoạt động, thiếu đạo cụ và hạn chế nhất là khả năng diễn xuất nhưng các thành viên trong CLB bằng tình yêu, niềm đam mê chèo, đã khắc phục khó khăn, tập trung luyện tập. Thông qua những hoạt cảnh chèo “tự biên, tự diễn”, CLB còn lồng ghép tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: công tác Dân số - KHHGĐ, xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa…
Mặc dù hoạt động chủ yếu bằng phương thức xã hội hoá nhưng trong nhiều năm trở lại đây các CLB chèo ở Giao Thuỷ vẫn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho việc tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo, cổ vũ các tiết mục chèo đặc sắc thông qua việc thu âm, phát sóng trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở. Từ nhiều năm nay, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định duy trì việc mở lớp tập huấn về nghệ thuật chèo cho các hạt nhân văn nghệ tại các xã, thị trấn. Nhiều năm liền, tại các hội thi, liên hoan các làng chèo, hội diễn nghệ thuật quần chúng do tỉnh và khu vực tổ chức, đội tuyển nghệ thuật huyện Giao Thuỷ đều đạt thành tích cao.
Hoạt động của các CLB chèo ở Giao Thuỷ đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện sau những ngày lao động vất vả. Trong tiến trình CNH-HĐH nông thôn, nghệ thuật chèo có nguy cơ bị mai một, nhưng ở Giao Thuỷ nghệ thuật chèo đã thấm vào tâm hồn tình cảm của mỗi người dân, có sức lan tỏa sâu rộng đến thế hệ nối tiếp, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương lúa nước./.
Khánh Dũng