Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), trong đó phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” ở xã Trực Đại (Trực Ninh) đã đi vào cuộc sống, tạo sự đoàn kết của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Đội văn nghệ quần chúng xóm Cường Phú, xã Trực Đại trong một buổi tập luyện. |
Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào “TDĐKXDĐSVH” của xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, xóm phổ biến các nội dung phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” tới từng hộ dân. Bên cạnh đó, BCĐ đã đưa các nội dung, tiêu chí của phong trào với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các ngành, đoàn thể, tạo sự gắn kết của phong trào với đời sống kinh tế - xã hội, quy tụ các tầng lớp nhân dân tham gia. Để bám sát các quy định, tiêu chuẩn theo Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, BCĐ phong trào “TDĐKXDĐSVH” xã đã chỉ đạo các xóm thành lập Ban soạn thảo hương ước, sau đó lấy ý kiến của nhân dân để bổ sung, sửa đổi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong hương ước của các xóm đều có các điều khoản rõ ràng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để nhân dân thực hiện. Đến nay, việc tổ chức việc cưới, việc tang trên địa bàn xã đi vào nền nếp, các tập tục lạc hậu bị xoá bỏ; các lễ hội diễn ra lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, cả 21 xóm trong xã đã đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 5 trường học, 1 trạm y tế xã đạt danh hiệu cơ quan có Nếp sống văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 76%. Ở các xóm thực hiện tốt phong trào “TDĐKXDĐSVH” như Khai Quang, Cường Phú, Nam Cường, xóm 10, hằng năm tỷ lệ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa đều đạt trên 80%. Tại xóm Khai Quang, Ban vận động xây dựng đời sống văn hoá của xóm phối hợp với các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, CCB, Đoàn Thanh niên… tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa... Nhiều năm qua, nhân dân trong xóm đã đoàn kết, động viên nhau cùng thực hiện tốt “5 không”: không đói nghèo; không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Hiện nay, trẻ em trong độ tuổi của xóm được đến trường, không có trẻ bỏ học, 90% hộ dân trong xóm đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Một số gia đình văn hóa đi đầu trong việc phát triển kinh tế đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương như hộ ông Hoàng Văn Chung mở xưởng sấy cau, tạo việc làm cho 25 lao động; gia đình các ông: Hoàng Văn Định, Hoàng Văn Long, Cao Văn Thảo đều là những gia đình văn hóa tiêu biểu trong phát triển kinh tế chăn nuôi gia trại. Tại xóm Cường Sơn, công tác xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa đã đi vào chiều sâu. Xóm đã vận động nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng đắp đường, làm thủy lợi nội đồng, bê tông hóa đường giao thông, xây dựng NVH. Nhiều người con xóm Cường Sơn làm ăn sinh sống ở các tỉnh cũng tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Ông Vũ Văn Chiều, sống ở Quảng Ninh đóng góp 900 triệu đồng để tôn tạo đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các ông Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Điệp hiện ở Hà Nội ủng hộ địa phương 90 triệu đồng. Hiện nay, xóm có 85% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Từ thành công ở xóm Cường Sơn, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở. Đến nay, xã có khu thể thao với diện tích 3.404m2, NVH xã được xây dựng trên diện tích 1.000m
2, 21 xóm đều có NVH với sân tập thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT và hội họp của nhân dân.
Với việc chăm lo đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đồng bộ, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT của xã phát triển mạnh. Đến nay, xã có 1 đội văn nghệ xung kích của Đoàn Thanh niên, 1 đội múa rồng, 1 đội nhạc kèn, 2 đội trống, 1 đội trắc, 1 CLB thơ, 1 CLB Thức vũ kinh người cao tuổi, 21 đội văn nghệ ở các xóm. Từ nhiều năm qua, xã duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng vào các dịp đầu xuân, ngày kỷ niệm các ngành, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 với sự tham gia của cả 21 xóm. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát động rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia./.
Bài và ảnh:
Viết Dư