Đặc sắc giá trị lịch sử và kiến trúc của những ngôi đền cổ ở Nam Trực

08:10, 30/10/2015

Trên địa bàn huyện Nam Trực hiện có 51 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng, trong đó có hơn 30 ngôi đền cổ với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo.

Những ngôi đền cổ ở Nam Trực là nơi thờ phụng các vị trạng nguyên, tú tài, các danh nhân văn hoá, các bậc đại khoa, những vị vua, vị tướng có công khai hoang lấn biển… Tiêu biểu là di tích lịch sử đền Giáp Ba (còn gọi là đền Cẩm Nang) ở trung tâm Thị trấn Nam Giang thờ Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục). Thuở nhỏ, Triệu Quang Phục rất chăm chỉ học hành, văn võ đều tinh thông. Năm 17 tuổi, cha mẹ qua đời, ông theo danh tướng Lý Bôn đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành độc lập cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng ông đã lập đền thờ và được Chử Đồng Tử trao cho một móng rồng lắp vào mũi đầu mâu nên đánh giặc trăm trận trăm thắng. Sau khi đánh tan quân giặc, năm 548 Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, đóng đô ở Long Biên. Tương truyền khi rút chạy, Triệu Việt Vương đã dừng chân ở thôn Cẩm Nang định lập hành doanh nhưng vẫn bị truy kích phải chạy đến cửa biển Đại Nha, nay là thôn Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên). Hiện nay ở thôn Ba vẫn còn những dấu tích của lần Vua Triệu dừng chân như khu đất An Mã Chiến là nơi quan quân cho ngựa ăn cỏ, uống nước; nơi ngựa chạy được gọi là Mã Khởi. Phía đông nam làng còn có đường Mã Chạy. Doanh trại binh lính xưa nay là khu Cồn Cửa... Sau khi Triệu Việt Vương mất, nhân dân Cẩm Nang đã lập đền thờ ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân. Đền Giao Cù, xã Đồng Sơn là di tích Lịch sử - Văn hoá thờ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Khoa thi năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý bộ Binh. Năm 1881, ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định. Ngày 27-3-1883, giặc Pháp đánh Thành Nam Định lần thứ hai, Thượng biện Vũ Hữu Lợi lĩnh một đội quân đóng ở phía nam bến Đò Quan, trực tiếp cản giặc. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, tại quê nhà, Vũ Hữu Lợi chiêu mộ được gần 2.000 nghĩa binh, chủ động tổ chức đánh địch nhiều trận. Có những lần ông đưa quân lên tận núi Gôi đón đánh địch. Sau khi bị giặc giết hại, tưởng nhớ công lao Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, người dân quê hương đã lập đền thờ ông. Tại di tích - lịch sử đền Đá, thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, ngoài việc thờ ba vị tướng thời kỳ Hùng Vương, thờ 12 vị tổ (thập nhị gia tiên tổ) của 12 họ sớm về đây lập làng, đền còn phối thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu. Đền Đá còn giữ được khá nhiều đồ thờ tự như: sập thờ, kiệu long đình, bát cống…

Đền Giáp Ba, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia năm 1994.
Đền Giáp Ba, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia năm 1994.

Các ngôi đền cổ ở Nam Trực không chỉ là những di sản văn hoá mang đậm giá trị lịch sử mà còn là những công trình có nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tiêu biểu là đền Am, thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang, là nơi thờ phụng, tri ân công đức của Đức Thánh Tổ - Thiền sư Bùi Huệ Tộ, một vị chân tu, phúc thần đã có công giúp đỡ nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quanh ngôi đền là các hạng mục công trình như: Hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, đền chính và hai dãy giải vũ nội được trải dài theo trục bắc nam. Các hạng mục kiến trúc của đền Am đều được lắp dựng bằng gỗ lim, mái ngói nam mang đậm phong cách cổ truyền dân tộc góp phần tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho công trình. Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đền Am còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị; tiêu biểu như: tượng, ngai và bài vị thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ; bia đá “Linh từ bi ký” và “Bách thế, bách thiên”; truy viễn miếu bi; sắc phong; sách Thánh tổ thực lục; nón tu lờ… Tại di tích Lịch sử đền An Lá, xã Nghĩa An, còn lưu giữ được các cấu kiện kiến trúc như: hệ thống bẩy tiền, bẩy hậu… Các họa tiết trang trí tại đền được thể hiện ở chạm khắc các đề tài: lựu, cúc, trúc, mai ở cả hai mặt. Những mảng chạm rồng, mây mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Tại toà đệ nhị của đền, hệ thống bẩy tiền, nửa phía đông chạm lưỡng long ngậm ngọc, trúc hóa long, long phượng vờn nhau, nửa phía tây chạm các mặt hổ phù, long vân và hình lá lật cách điệu. Đặc biệt, hai bên đông, tây của cổng chính có hai tòa lâu các hai tầng, xưa dùng làm nơi chấm giải thi cờ, thi hát… trong các dịp hội hè, lễ, tết. Tại di tích Lịch sử - Văn hoá đền Din, xã Nam Dương, có những nét đặc trưng được thể hiện ở gian chính tẩm của đền. Tại đây có tượng Kiều Công Hãn - người có công giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán, bằng đồng đặt trong khám long đình. Hai bên tả hữu của tòa nhà là hai dãy hành lang với hàng cột thấp, thờ các quan hộ vệ bản đền. Ngoài cổng, phía bên phải, người xưa đã xây dựng một ngôi đền nhỏ thờ bà hàng nước Phạm Thị Oanh. Trước cổng đền còn có cây đa cổ kính, xòe tán lá rộng bao quanh một giếng được xếp bằng đá, tạo thêm hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam thanh bình mà mộc mạc…

Những ngôi đền cổ ở Nam Trực có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Tiêu biểu tại di tích Lịch sử - Văn hoá đền Din, hằng năm thường diễn ra các kỳ lễ hội để nhân dân bày tỏ lòng thành kính. Hội chính của làng diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Chạp có các lễ: rước nước, xin nước nhà thánh, lễ rước bát nhang nhà quan, lễ cáo...; đặc biệt là nghi lễ rước cá trắm và tục thi cỗ trong lễ hội. Lễ hội đền Đá được tổ chức vào ngày 3-3 âm lịch hằng năm với nhiều cuộc thi như: làm oản, làm bánh để tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ... và nhiều trò vui như múa gậy, múa rồng, trò kéo cõi (kéo dây), đấu vật, đấu roi... Ngoài đền Din, đền Đá, trong các lễ hội tại những ngôi đền cổ ở Nam Trực vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống, ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc như: làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và những trò vui: múa gậy, kéo dây, đấu roi trong lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh; chơi cờ bỏi, thi dệt vải, chọi gà, đánh đu trong lễ hội Đồng Phù, xã Nam Mỹ; múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều, diễn tích trò ở lễ hội đền An Lá, xã Nghĩa An; múa rối nước, đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu trong lễ hội đền Am, Thị trấn Nam Giang; thi đấu chọi gà, kéo co, leo cầu phao, bịt mắt đánh trống, cờ tướng, bóng chuyền trong lễ hội Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng…

Những ngôi đền cổ ở Nam Trực ngày nay vẫn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua nhiều ngôi đền cổ ở Nam Trực đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân ở các địa phương trùng tu, tôn tạo. Tại các điểm di tích đều thành lập ban quản lý, ban bảo vệ di tích để gìn giữ phát huy những giá trị lịch sử - văn hoá của những ngôi đền cổ ở các làng quê./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com