Ngày trước, ở vùng nông thôn, những chiếc nồi đất, ấm đất là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình.
Nhà ông bà ngoại tôi cũng dùng những chiếc ấm đất, nồi đất để sắc thuốc, đun lá vối hoặc để nấu cơm tám, kho cá. Những vật dụng đơn sơ, giản dị, quê mùa nhưng được chú ý gìn giữ lắm, bởi ngày thường không phải dễ mà mua được. Phải chờ những dịp chợ phiên, có ông bán nồi từ tận Thanh Hóa ra, dắt chiếc xe đạp thồ chở những chồng nồi đất, ấm đất đỏ au được xếp úp xuống rất gọn gàng, khéo léo thì bà con trong làng mới được thỏa sức chọn mua. Để mua được những chiếc ưng ý nhất, người kỹ tính và có nhiều kinh nghiệm còn cầm chiếc nồi lên, búng nhẹ tay vào thành nồi, nghe tiếng kêu mà đoán biết được chất lượng, độ dày mỏng của nồi. Khi mới mua về, để tránh bị nứt và rò rỉ khi nấu nướng, các bà nội trợ đảm đang bao giờ cũng phải cẩn thận cho nước vào ngập nồi, ngâm chừng vài tiếng cho nước thấm hút hết vào các lỗ khí trong nồi. Khi nấu nướng cũng không được đun lửa to mà chỉ để lửa nhỏ liu riu để nồi không bị vỡ. Nồi đất, ấm đất rất hợp với sắc thuốc hoặc kho các loại cá bống, cá diếc, cá trê, cá quả, bởi nó làm cho đồ ăn, thức uống trở nên thơm ngon hơn, giữ vẹn nguyên được hương vị và sự bổ dưỡng. Những ngày mưa gió hoặc lúc thời tiết chuyển mùa se lạnh, quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm với niêu cá kho khô lót lá gừng, nồi cơm gạo mới trắng tinh tỏa khói thơm nghi ngút đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ trong tâm trí nhiều người.
Bây giờ, trong cuộc sống hiện đại, các loại nồi nhôm, inox, thủy tinh ngày càng thông dụng, ở nông thôn cũng chẳng còn mấy ai sử dụng những chiếc nồi đất, ấm đất xưa cũ để nấu nướng như trước nữa. Nhưng những chiếc nồi đất lại có mặt và đắc dụng trong nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng trên thành phố chuyên bán cơm niêu, cá kho niêu phục vụ thực khách. Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, tìm đến một nơi yên tĩnh, rợp màu xanh cây lá, thưởng thức những món ăn đặc sản quê nhà theo cách truyền thống sẽ khơi dậy trong lòng mỗi người nỗi nhớ quê hương và sự trân trọng những gì đẹp đẽ của một thời ông cha ta đã sống./.
Lam Hồng