Khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống

09:09, 07/09/2015

Tỉnh ta có 6 bảo tàng; có 50 nhà truyền thống, nhà lưu niệm là nơi lưu giữ những tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các bậc danh nhân, các vị Anh hùng dân tộc, các chiến sĩ cách mạng đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Chính phủ về Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tích cực xây dựng các chương trình thiết thực nhằm khai thác và phát huy giá trị hệ thống thiết chế bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, tại Bảo tàng huyện Hải Hậu, đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đến tham quan Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng chí Trần Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Bảo tàng huyện Hải Hậu hiện có gần 4.000 tài liệu, hiện vật. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện đề án của Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, NVH, CLB”, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Phòng GD và ĐT tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng huyện và các nhà lưu niệm, nhà truyền thống tại các xã, thị trấn. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, góp phần phát huy hiệu quả của Bảo tàng trong đời sống hôm nay. Cô giáo Mai Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Hải Trung cho biết: Triển lãm này là hoạt động truyền thông cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho các em học sinh. Thực hiện kế hoạch tham quan triển lãm của UBND huyện, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tham quan triển lãm. Bên cạnh đó, vào đầu tuần mỗi tháng, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan Nhà truyền thống xã Hải Trung, mời các cựu chiến binh có kiến thức, hiểu biết về lịch sử nói chuyện chuyên đề, giúp các em hiểu thêm về lịch sử và truyền thống quê hương.

Học sinh và nhân dân huyện Hải Hậu tham quan bảo tàng huyện.
Học sinh và nhân dân huyện Hải Hậu tham quan bảo tàng huyện.

Thời gian qua, việc xây dựng nhà lưu niệm, nhà truyền thống được các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng. Tháng 10-2014, Dự án xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ tại xã Nam Vân (TP Nam Định) được khánh thành và đi vào hoạt động. Ngay sau khi khánh thành, UBND Thành phố Nam Định đã ra quyết định thành lập Ban quản lý Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ, xây dựng kế hoạch hoạt động, cử đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ, chuyên môn, phục vụ nhân dân địa phương và khách tham quan. Vào các dịp lễ lớn của dân tộc, tại Nhà lưu niệm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đều tổ chức dâng hương đồng chí Lê Đức Thọ. Vào dịp khai giảng năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức lễ dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ, phát động phong trào “Dạy tốt - Học tốt”. Các trường học, đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố cũng thường xuyên tổ chức cho các em tham quan Bảo tàng tỉnh, các nhà truyền thống nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể là Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam (được xây dựng trên khuôn viên của Bảo tàng Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định trước đây) là nơi tái hiện lại lịch sử ngành Dệt may cả nước nói chung và ngành Dệt may Nam Định nói riêng trong hơn 1 thế kỷ qua. Tại khu vực trung tâm của Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam là nơi trưng bày các hình ảnh, kỷ vật về Bác và những tình cảm của công nhân ngành Dệt may với Bác Hồ, những di vật ghi lại lời căn dặn sâu sắc của Bác đối với tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định khi Người về thăm. Tuy nhiên, sau 2 năm khánh thành, Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam hầu như không hoạt động; không đáp ứng mục đích và ý nghĩa đặt ra. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, nhà truyền thống, nhà lưu niệm hầu như không có cán bộ chuyên trách, có trình độ nghiệp vụ về công tác bảo tàng. Hoạt động của hệ thống bảo tàng cấp huyện và 2 bảo tàng tư nhân là “Bảo tàng đồng quê” xã Giao Thịnh (Giao Thủy), “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) có quy mô nhỏ, mang tính xã hội hóa, chưa đáp được các tiêu chí về bảo tàng. Nhiều nhà truyền thống, nhà lưu niệm các sở, ban, ngành được xây dựng nhưng chỉ mở cửa “định kỳ” các dịp lễ kỷ niệm nên chưa thu hút người dân. Để phát huy hệ thống thiết chế bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng cần quan tâm, đầu tư áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc trưng bày, bảo quản các tài liệu, hiện vật tại bảo tàng. Đồng thời, đặt trong bối cạnh hiện nay, đưa hệ thống bảo tàng là "điểm đến" trong phát triển ngành du lịch, các cấp ngành hữu quan cần tiếp tục quan tâm đến việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát huy tiềm năng của hệ thống bảo tàng, nhà lưu niệm. Theo đó, chú trọng xây dựng các tua, tuyến du lịch gắn với những điểm đến là các bảo tàng, nhà lưu niệm trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; có hình thức khuyến khích du khách đến với các bảo tàng, nhà lưu niệm; kết hợp với tổ chức tốt các hoạt động thường xuyên phong phú cần xây dựng sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của mỗi bảo tàng. Quan tâm xây dựng các chuyên đề, tổ chức các đợt trưng bày triển lãm nhân các sự kiện, ngày lễ lớn, mùa lễ hội, mùa du lịch của các địa phương trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com