Hải Trung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá

09:09, 28/09/2015
Xã Hải Trung (Hải Hậu) là vùng quê có quần thể di tích lịch sử - văn hóa khá phong phú. Trong đó chùa Phúc Sơn, xóm 12, được Bộ VH,TT và DL xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh là: Từ đường thuỷ tổ Trần Vu, xóm 12; từ đường thuỷ tổ Hoàng Gia, xóm 10; từ đường thuỷ tổ Lại Xuân Không, xóm 15.
 
Di tích lịch sử - văn hoá chùa Phúc Sơn gắn liền với công cuộc khai hoang, lấn biển của người dân vùng đất Quần Anh cách đây hơn 5 thế kỷ. Theo sách “Quần Anh tiểu sử” thì những người giúp dân khai hoang mở đất thành lập nên xã Quần Anh vào năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) phải kể đến công lao của 4 ông tổ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập. Căn cứ vào văn bia “Phúc Sơn tự bi” thì người khởi xướng việc xây dựng chùa Phúc Sơn là sư tổ Lại Thanh Sơn, trụ trì tại chùa Thiên Biên xã Hà Nam (nay là xã Hải Thanh, Hải Hậu). Chùa Phúc Sơn được xây dựng vào đời Vua Tự Đức năm thứ 12 (1859), lúc đầu chỉ là 1 am nhỏ gọi là Tĩnh Ngọc Lâm; sau đó được mở rộng và xây dựng thành chùa Ngọc Lâm, nhân dân quanh vùng quen gọi là chùa Tĩnh. Tới đời Vua Thành Thái năm thứ 7 (1895) nhân dân xây dựng thêm nhà tổ, phủ thờ Mẫu, gác chuông… Vì vậy, chùa được đổi tên là chùa Phúc Sơn và trở thành một ngôi chùa đẹp trong vùng cho đến bây giờ. Chùa Phúc Sơn xây dựng trên một khu đất cao, rộng, ở giữa làng, mặt quay ra cánh đồng theo hướng nam. Phía trước chùa là một hồ bán nguyệt xây bằng gạch, in bóng cây đa cổ thụ cùng với hệ thống cửa tam quan và hệ thống tường hoa xung quanh kết hợp với nhiều hạng mục công trình như: chùa thờ Phật, đền thờ tứ tổ khai sáng, phủ thờ Mẫu, vườn cảnh, tháp mộ... Tất cả tạo thành khuôn viên hài hòa kín đáo. Trong quần thể di tích, đối xứng với phủ thờ Mẫu ở phía đông là đền thờ tứ tổ khai sáng ở phía tây. Công trình làm theo chữ “Đinh”, với tiền đường ba gian, mặt tiền ngôi đền được khắc nổi ba chữ Hán “Khải xã từ” (đền thờ các tổ có công lập xã). Ngôi đền gợi nhớ về những thành quả lao động của bốn tổ và chín dòng họ kế tiếp trên vùng đất mới, đúng như câu đối còn ghi giữa tiền đường: “Thừa đế mệnh phá thiên hoang giang sơn khởi sắc/ Hộ dân sinh khai địa quảng thảo mộc hồi nhan” (Vâng mệnh vua khai phá thiên nhiên, non sông rạng rỡ/ Giúp người dân vỡ đất rộng, cây cỏ đẹp tươi). Tại quần thể di tích chùa Phúc Sơn còn lưu giữ được một số đồ thờ có giá trị về nghệ thuật. Đó là hệ thống tượng Phật tại tòa tam bảo, tiêu biểu là hai tác phẩm có giá trị là tượng A Di Đà và tòa Cửu Long. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Phúc Sơn là nơi tập trung lực lượng quần chúng kéo về tham gia cướp chính quyền, thành lập Uỷ ban Cách mạng lâm thời của huyện Hải Hậu. Đây còn là cơ sở đi về, nơi trú quân, luyện tập, hoạt động, là nơi nuôi dưỡng che chở cán bộ, nơi cất giấu vũ khí, lương thực của các lực lượng cách mạng huyện Hải Hậu. Cùng nằm trong hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa lâu đời ở Hải Trung, từ đường thuỷ tổ Trần Vu được xây dựng vào  năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) để tri ân công đức thuỷ tổ Trần Vu. Công trình được toạ lạc trong khuôn viên rộng trên 920m2, quay mặt về hướng tây. Ban đầu từ đường được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc bề thế, tao nhã với những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống thế kỷ XIX. Năm 1990, toàn họ cùng góp của, góp công tôn tạo tiền đường, xây lại nội cung, xây lâu các. Cũng giống như di tích từ đường thuỷ tổ Trần Vu, từ đường thuỷ tổ Hoàng Gia là công trình kiến trúc văn hoá còn bảo lưu được kiến trúc gỗ với nhiều mảng chạm khắc đẹp mang phong cách thời Nguyễn, mặc dù trải qua nhiều thế kỷ cùng với sự biến đổi của thời tiết và chiến tranh tàn phá, từ đường nhiều lần được tu sửa tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được đường nét cùng phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
 
Chùa Phúc Sơn, xóm 12, xã Hải Trung được Bộ VH,TT và DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1996.
Chùa Phúc Sơn, xóm 12, xã Hải Trung được Bộ VH,TT và DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1996.
Nhận thức được tầm quan trọng của các di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng, thời gian qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, Đảng uỷ, UBND xã Hải Trung đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban quản lý các di tích thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý uống nước nhớ nguồn và tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc. Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh cùng với sự đóng góp của nhân dân, các di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân địa phương và bà con khắp nơi, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã đã được trùng tu tôn tạo với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, tại chùa Phúc Sơn, đã trùng tu các hạng mục như khu thờ Mẫu, bái đường, trung đường và tam bảo, xây mới nhà khách, gác chuông, đúc trống đồng, khiên đồng với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Từ đường họ Trần Vu thay mới lại toàn bộ hệ thống mái, hoành, long cốt với kinh phí trên 200 triệu đồng. Từ đường họ Hoàng Đại Tôn cũng được đầu tư hàng trăm triệu đồng từ nguồn ngân sách xã hội hoá để sửa lại nhà bia, hệ thống cột, kèo… Hằng năm, vào ngày 22-3 (âm lịch) tại di tích từ đường thuỷ tổ Trần Vu và các ngày mồng 6, 16 tháng Giêng (âm lịch) tại di tích từ đường thuỷ tổ Hoàng Gia, từ đường thuỷ tổ Lại Xuân Không, con cháu trong các dòng họ từ khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương, báo công tiên tổ. Tại di tích lịch sử chùa Phúc Sơn, hằng năm cứ vào dịp trung tuần tháng 3 âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội. Ngoài phần nghi lễ trang nghiêm, trong lễ hội còn có các hình thức vui chơi giải trí, các sinh hoạt văn hóa như tổ chức đêm thơ ca, chiếu chèo...
 
Thời gian tới xã Hải Trung tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa - thể thao dân gian lành mạnh nhằm khai thác giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com