Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

04:09, 19/09/2015

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó, có 327 di tích được xếp hạng gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Trần - chùa Phổ Minh), 81 di tích cấp quốc gia; 246 di tích cấp tỉnh.

Để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích và kinh phí xã hội hóa, đến nay các di tích đã được Nhà nước xếp hạng đều được tu bổ, tôn tạo đúng quy định, giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Các địa phương có di tích được xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện, xử lý dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục. Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh (Sở VH, TT và DL) đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả việc kiểm kê, phân loại di tích. Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, công tác xã hội hóa tu bổ chống xuống cấp di tích đã huy động được nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện có 27 cụm di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (gồm 3 cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 24 cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh). Trong 2 năm qua huyện Giao Thủy đã phối hợp với Sở VH, TT và DL tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.

Năm 2014, từ nguồn kinh phí đóng góp của du khách và nhân dân, đình làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) được tu bổ khang trang đúng theo di tích gốc.
Năm 2014, từ nguồn kinh phí đóng góp của du khách và nhân dân, đình làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) được tu bổ khang trang đúng theo di tích gốc.

Cùng với việc tổ chức tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ chuyên môn và Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa các xã, thị trấn, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích bị xuống cấp. Phòng Văn hóa huyện và các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; khôi phục hội thi bơi chải cấp huyện hằng năm; sưu tầm, phục hồi các trò chơi văn hóa - thể thao dân gian tại các lễ hội lớn như: hội làng Hoành Nha (Giao Tiến), hội làng Diêm Điền (Bình Hòa), hội làng Hà Cát (Hồng Thuận), hội làng Kiên Hành (Giao Hải), hội làng Hoành Đông (Thị trấn Ngô Đồng)… Tại huyện Vụ Bản, ngày 6-1-2015, UBND huyện ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy”. Việc ban hành Quy chế nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố nguyên gốc của di tích, quản lý tốt việc tu bổ di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật. Duy trì và phát huy giá trị văn hóa của chợ Viềng Xuân và lễ hội Phủ Dầy… Để nâng cao hiệu quả công tác tu bổ chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, từ năm 2012, huyện Xuân Trường chỉ đạo Phòng Văn hóa huyện phối hợp với Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh tiến hành công tác khảo sát kiểm kê di tích, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tu bổ đối với từng di tích một cách khoa học. Trong 3 năm lại đây, trên địa bàn huyện đã tiến hành tu bổ, tôn tạo nhiều di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân. Huyện Trực Ninh có 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu là: Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), đền - chùa Cự Trữ, đền - chùa Cổ Chất (xã Phương Định), Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), đền - chùa Phúc Ninh (xã Trực Cường), đền Tuân Lục (xã Liêm Hải)... Với tổng kinh phí 24 tỷ đồng, thời gian qua, chùa Cổ Lễ được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tu bổ tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, đền Thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, tôn tạo hai hành lang tả, hữu. Hiện nay, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa và đền Thánh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo, bảo tồn được nguyên trạng kiến trúc di tích. Đền Thượng, xã Trung Đông được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 500 triệu đồng. Đền - chùa Phúc Ninh, xã Trực Cường được tu bổ với tổng kinh phí 5 tỷ đồng.

Với việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh đã phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của quê hương trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com