Mỗi lần về quê, tôi thường đứng trên triền đê lộng gió, phóng tầm mắt sang vùng đất bãi ven sông, ngắm màu xanh bạt ngàn của những ruộng mía và các loại rau màu. Mùa này tiếp nối mùa kia, dưới bàn tay tần tảo của người dân quê tôi, vùng đất bãi đã mang lại sự ấm no, trù phú.
Cứ khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, khi đất bãi vẫn còn mềm ẩm sau mưa xuân, người dân quê tôi lại bắt đầu công việc làm đất, đánh luống, mang những bó ngọn mía ra trồng. Những mầm mía nhanh chóng đội lớp đất phù sa màu mỡ đâm lên tua tủa. Chẳng mấy chốc, những phiến lá dài, sắc như dao đã phủ xanh cả vùng đồng bãi. Tiếng lá mía khua xào xạc trong gió nghe thật vui tai. Khóm mía dần ấm bụi với những thân cây dóng thẳng, đốt thưa, vàng óng ả. Ngoài giống mía thân vàng chủ yếu để bán, hầu như nhà nào cũng trồng một vạt mía tím để ăn. Mía tím thân mập mạp. đốt dày hơn nhưng ăn mềm và thơm, rất hợp với người già, trẻ nhỏ. Cuối tuần nghỉ học, đám trẻ con thường thích theo bố mẹ ra đồng bãi. Trong lúc bố mẹ vun gốc, bóc lá mía già, lũ trẻ thỏa sức chạy nhảy nô đùa bắt cào cào châu chấu hoặc rủ nhau chơi trốn tìm trong những ruộng mía cao ngút đầu. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tham gia nhổ cỏ và tranh thủ hái những loại rau tập tàng mọc chen chân giữa các hàng mía về nấu canh.
Tháng bảy âm lịch, gió heo may rải đồng, mang theo hơi thu se lạnh. Trong nắng thu vàng tươi rực rỡ, những ruộng mía ven sông bắt đầu đọng mật, ngọt dần lên ngọn, lá mía bắt đầu xơ xác. Đó cũng là thời điểm cả làng hối hả đi thu hoạch mía. Những cây mía được chặt sát gốc, phát bớt lá ở ngọn rồi bó thành chục cây một, mang ngay đến chợ bán để giữ được độ tươi ngon nhất. Lũ trẻ chúng tôi sung sướng ngồi ngay bên ruộng mía, dùng răng tước vỏ, nhai rau ráu những khúc mía giòn tan, ngọt mát. Ăn chán, lũ trẻ nhanh nhẹn đi thu gom hết lá mía, bã mía mang về phơi cho bà đun bếp. Mùa thu hoạch mía thường ào ạt, chóng vánh trong vài ngày, bởi nếu để quá lứa, mía già sẽ bị bấc, ruột xốp, giảm độ ngọt. Trên ruộng chỉ còn thấp thoáng những vạt mía trồng muộn để dành sau này bán cho các gia đình mua về dựng ở hai bên bàn thờ trong những ngày Tết.
Xa quê đã bao mùa mía, những lúc gặp nhau chúng tôi vẫn thường nhắc tới vị mía tươi ngọt lịm vừa chặt lên từ ruộng và cả kỷ niệm về những đêm đông ngồi quây quần bên nhau, cho củ gừng vào những khúc mía tím, nướng trên than hoa, nghe hương thơm của mật mía quyện với hương gừng ấm sực./.
Lam Hồng