Xã Trực Thanh (Trực Ninh) có 1.150 hộ, với 4.340 khẩu. Là xã nông nghiệp với điểm xuất phát về kinh tế thấp nên trước đây cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư xây dựng… Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện công cuộc xây dựng NTM.
|
Hệ thống đường liên thôn, xóm của xã Trực Thanh được chỉnh trang, mở rộng và kiên cố hoá. |
Với nhận thức đúng đắn: Để phát triển kinh tế, phải chăm lo bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”; thực hiện tốt quy ước, hương ước và quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt các chính sách xã hội; chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác xã hội hoá trên các lĩnh vực: VHVN, TDTT, y tế, giáo dục, dân số - KHHGĐ và trẻ em… Đến nay, cả 15 xóm trong xã đều đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” đạt 92,5%. Cả 15 xóm của xã đã xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hóa nên việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về văn hoá được củng cố, các danh hiệu được giữ vững đã tạo bước nhảy vọt về phát triển kinh tế. Đến nay, xã Trực Thanh đã phá được thế độc canh cây lúa, đưa nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, hiệu quả. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, xã quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế trang trại và gia trại chăn nuôi đã hình thành và phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác tiềm năng về đất đai, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, xã chú trọng phát triển các ngành nghề đan cót, làm tăm hương xuất khẩu và các ngành nghề dịch vụ khác. Qua đó, đời sống kinh tế của nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã quan tâm chăm lo xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt như: hệ thống cấp nước sạch, NVH xóm, trường học, đường bê tông; trong đó có sự đóng góp của nhân dân. Đến nay, 100% tuyến đường liên thôn, xóm được chỉnh trang, mở rộng và kiên cố hoá, 80% đường giao thông nội đồng được cứng hoá. 3 trường học và trạm y tế xã được đầu tư xây dựng từng bước đạt chuẩn; 100% số hộ trong xã được dùng điện; 95% số hộ dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh; các công trình đê, kè, cống, kênh mương, công trình phúc lợi, công trình văn hoá, di tích lịch sử… được đầu tư xây dựng và nâng cấp đồng bộ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã có chủ trương hỗ trợ về kinh phí, tăng cường vận động người dân các xóm và con em xa quê đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng NVH xóm. Đến nay, có 3 thôn trong xã là: Duyên Lãng, Bằng Trang và Ngọc Đông đã xây dựng được NVH đạt chuẩn NTM với kinh phí 200 triệu đồng/NVH, 15 xóm đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng NVH xóm với diện tích từ 200-500m
2. Các thiết chế văn hóa dần được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập, đi vào hoạt động tiêu biểu như: CLB người cao tuổi, CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB gia đình hạnh phúc, CLB tiền hôn nhân, CLB cựu quân nhân, CLB khuyến nông... Đặc biệt, CLB cầu lông với nòng cốt là những cán bộ, viên chức xã và CLB văn nghệ gồm các thành viên là giáo viên khối các nhà trường thường xuyên hoạt động, biểu diễn phục vụ nhân dân vào các dịp kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và các ngày lễ, tết…
Trong thời gian tới, để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xã Trực Thanh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Tiếp tục đầu tư xây dựng, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nâng cao chất lượng các phong trào VHVN, TDTT. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, tổ chức, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa./.
Bài và ảnh:
Khánh Dũng