Tăng cường quản lý lễ hội mùa thu

09:08, 28/08/2015

Qua 2 năm triển khai Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội nói chung, lễ hội mùa thu nói riêng ở tỉnh ta đã được thực hiện nghiêm túc theo Luật Di sản văn hóa, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 2011. Lễ hội đền Lựu Phố diễn ra ngày 7-7 âm lịch hằng năm được UBND xã Mỹ Phúc tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống. Ngoài các nghi thức như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo… Trên địa bàn xã Mỹ Phúc hiện có 14 di tích, trong đó 2 di tích được xếp hạng quốc gia và 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Triển khai Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, UBND xã thành lập Ban quản lý di tích, có quy chế, tổ chức và hoạt động theo tinh thần Luật Di sản văn hóa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nhân dân và khách tham quan hiểu giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí tôn tạo di tích hằng năm của Nhà nước và kinh phí tiến cúng của khách thập phương, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được kiến trúc gốc. Được tổ chức vào dịp mùa thu, lễ hội đền Lựu Phố và lễ hội đền Bảo Lộc diễn ra trên địa bàn xã Mỹ Phúc mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công khai hoang, mở đất, đấu tranh bảo vệ quê hương, có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghi thức Rước trong lễ hội đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) năm 2015.
Nghi thức Rước trong lễ hội đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) năm 2015.

Tỉnh ta có hơn 50 lễ hội mùa thu, trong đó, nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn. Điều ghi nhận là, công tác quản lý lễ hội nói chung, lễ hội mùa thu ở các địa phương trong tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Trước hết, quy mô và hình thức tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" phù hợp đặc điểm của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo theo đúng Luật Di sản văn hóa. Tại các địa phương có các lễ hội mùa thu được tổ chức với quy mô lớn như Thành phố Nam Định, các huyện Trực Ninh, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Nam Trực, Ban tổ chức lễ hội, nhất là các di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đều xây dựng kịch bản lễ hội trình cấp thẩm quyền phê duyệt; trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát huy các nghi thức truyền thống mang đậm nét văn hóa thông qua công tác khôi phục các trò chơi dân gian, dân vũ. Lễ hội Đền Trần (TP Nam Định) tưởng nhớ công lao các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được tổ chức vào dịp trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm với quy mô lớn, số lượng du khách ngày càng đông. Sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội Đền Trần thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là thời Trần; quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương đối với du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ATGT, vệ sinh cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội. Huyện Xuân Trường có 29 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng bảo vệ tôn tạo cấp tỉnh và 9 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Các lễ hội gắn với di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tâm thức và tình cảm của mỗi người dân xã Xuân Hồng lễ hội chùa Keo Hành Thiện mang ý nghĩa tri ân tưởng nhớ công lao Thiền Sư Không Lộ. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành VH, TT, DL, Ban tổ chức lễ hội xã Xuân Hồng đã thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, xứng tầm với di tích được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện hằng năm thu hút rất đông khách thập phương bởi ý nghĩa tâm linh và các trò chơi dân gian độc đáo. Cụ thể, lễ hội bắt đầu bằng chương trình rước kiệu truyền thống vào ngày 12-9 và ngày 15-9 âm lịch. Phần hội với những tiết mục văn hoá, văn nghệ, những trò chơi dân gian độc đáo như: hát chèo, tổ tôm điếm, cờ người, thi bắt vịt dưới hồ, võ vật. Quy mô và không khí lễ hội được tổ chức theo nếp sống văn hóa vừa trang trọng, văn minh, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có tệ nạn bói toán, mê tín, cờ bạc. Đặc sắc nhất trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện là giải bơi chải đứng với sự tham gia của cả 15 xóm trong làng tưởng nhớ lúc sinh thời của Đức Thánh Tổ Không Lộ làm nghề chài lưới diễn ra vào ngày 12 và 15-9 âm lịch. Kinh phí tổ chức lễ hội được nhân dân trong làng tham gia đóng góp. Tại huyện Trực Ninh, công tác tổ chức và quản lý lễ hội chùa Cổ Lễ (diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch) đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Phần hội được bổ sung những hoạt động mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và khách thập phương. Trong quá trình diễn ra lễ hội, Ban tổ chức lễ hội chùa Cổ Lễ tăng cường công tác tuyên truyền nếp sống văn hóa lễ hội; ban hành quy chế nghiêm cấm các hành vi phản cảm diễn ra trong khuôn viên di tích và lễ hội như tình trạng đốt vàng mã, nạn hành khất, các trò chơi núp bóng cờ bạc, các hiện tượng mê tín dị đoan, lấn chiếm không gian, bày bán hàng quán ăn uống, kinh doanh văn hóa phẩm trái quy định; qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi, thực hiện nếp sống văn hóa lễ hội. Đồng thời, ban tổ chức tổ chức tốt công tác thanh, kiểm tra, sắp xếp các điểm đặt hòm công đức hợp lý, tình trạng thả tiền, ném tiền tại nơi thờ tự từng bước được hạn chế.

Để chuẩn bị cho lễ hội mùa thu năm 2015, các địa phương có di tích trong toàn tỉnh, nhất là di tích được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ban tổ chức lễ hội cần xây dựng kịch bản lễ hội một cách khoa học theo hướng văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điệu kiện hoàn cảnh và nét đẹp truyền thống văn hóa của mỗi địa phương; ban hành quy chế lễ hội, chú trọng công tác thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy chế lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đảm bảo VSATTP, ATGT trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội, xây dựng và quảng bá hình ảnh đẹp đối với du khách, góp phần phát triển du lịch tâm linh của tỉnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com