Phong trào xây dựng làng văn hoá ở Xuân Vinh

09:08, 07/08/2015
Xã Xuân Vinh (Xuân Trường) có 20 xóm với 3.454 hộ, 10.650 nhân khẩu. Tính đến hết năm 2014, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM. Để có được kết quả trên, những năm qua, xã đã gắn việc thực hiện chương trình xây dựng NTM với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đẩy mạnh các phong trào xây dựng làng văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.
 
Cơ sở sản xuất chậu hoa cây cảnh của gia đình ông Vũ Xuân Trường, xóm 7, xã Xuân Vinh.
Cơ sở sản xuất chậu hoa cây cảnh của gia đình ông Vũ Xuân Trường, xóm 7, xã Xuân Vinh.
Hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hoá, nhân dân trong xã đều đoàn kết, tích cực thực hiện các phong trào: “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Giúp nhau xoá đói, giảm nghèo”... Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong xã thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” bằng các việc làm thiết thực. MTTQ chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực vận động nhân dân xây dựng làng văn hóa. Hội CCB vận động hội viên tham gia xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các CLB văn hoá, thể thao và hoạt động của NVH xóm. HND vận động nông dân tích cực đóng góp, thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Hội Phụ nữ vận động các hộ giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, làng xóm. Đoàn Thanh niên tập trung công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên. Vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11) cả 20 xóm đều tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trao giấy chứng nhận và biểu dương các gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; tổ chức cho các hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao sôi nổi. Thông qua phong trào xây dựng “Làng văn hóa” nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế đã có chuyển biến tích cực, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được đề cao trong gia đình và cộng đồng, khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ý chí vươn lên giảm nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành nguồn nội lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, cả 20 xóm trong xã được UBND huyện công nhận “Làng văn hoá”, 3.020 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 85% tổng số hộ dân trong xã. Nhiều xóm có tỷ lệ gia đình văn hoá luôn đạt trên 90% như xóm 7, xóm 10, xóm 17. Từ phong trào xây dựng làng văn hóa, đã tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân địa phương phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nền tảng vững chắc góp phần nâng cao mức sống của người dân. Đến nay, toàn xã có trên 1.750 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 39% tổng số hộ dân; trong đó có 250 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 550 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của xã đạt trên 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3%. Nhận thức việc dồn điền, đổi thửa là điều kiện quan trọng thúc đẩy xây dựng làng văn hoá, cả 20 xóm đã sớm triển khai dồn điền, đổi thửa, giảm số thửa; quy gọn vùng đất công; quy hoạch đất cho xây dựng các công trình công cộng, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng… Trong 5 năm trở lại đây, xã đã triển khai nâng cấp, mở rộng 23 tuyến đường giao thông dong xóm dài 18km, rộng 2,3-3,5m; 32km đường giao thông nội đồng, 5km đường trục chính ra đồng, mặt đường đổ bê tông rộng 1,5-2,5m, dày 0,15m, tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Hệ thống điện được đầu tư cải tạo, nâng cấp đường điện cao thế đạt tiêu chuẩn, lắp đặt trạm biến áp mới, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, qua đó, tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên an toàn là 100%. Toàn xã có 5 trường học, 1 trạm y tế đạt chuẩn được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Cả 20 xóm trong xã đã xây dựng NVH với diện tích mỗi NVH từ 700-1.000m 2, kinh phí từ 400-600 triệu đồng, đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân. Các NVH đều trang bị tủ sách cộng đồng với hàng chục đầu sách, tài liệu để nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao trình độ dân trí. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá xã còn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương. Tại Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền làng An Cư và Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Trần Xuân Nam, xã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bài trừ các biểu hiện mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống văn hóa của quê hương.
 
Đồng chí Vũ Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vinh cho biết: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, phong trào xây dựng “Làng văn hoá” đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, huy động sự tham gia đóng góp về trí tuệ, công sức và nguồn lực của cộng đồng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com