Đặc sắc các đội múa tứ linh ở Mỹ Lộc

08:08, 07/08/2015

Huyện Mỹ Lộc là vùng đất cổ. Hiện nay, nhiều địa phương trong huyện còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân gian; trong đó tiêu biểu là xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân, sư, rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng, xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử…

Một buổi tập của đội múa rồng làng Thượng, xã Mỹ Hưng.
Một buổi tập của đội múa rồng làng Thượng, xã Mỹ Hưng.

Ở làng Thượng, xã Mỹ Hưng, nghệ thuật múa rồng đã có truyền thống trên 100 năm. Cụ Đặng Văn Khịnh (74 tuổi) từng là đội trưởng đội rồng làng Thượng cho biết, từ khi 5-6 tuổi, cụ đã được các cụ thân sinh dẫn đi xem đội rồng biểu diễn ở lễ hội làng. Năm 1954, đội rồng có gần 40 thành viên, trong đó cụ Đặng Minh Kích là người múa rồng điêu luyện, cụ Đặng Minh Gốc là “tay trống” có tiếng, được nhiều người mến phục. Điểm đặc biệt là đầu rồng qua các thời kỳ đều được các “nghệ nhân” trong làng dày công sáng tạo. Thời kỳ đầu, cụ Quản Sang và cụ Đặng Minh Kích tạo đầu rồng với bộ khung bằng mây, bên ngoài được làm bằng giấy dính nhựa cây cậy và nhựa hồng, sau đó phủ lớp sơn ta vẽ đủ màu sặc sỡ. Hình dáng đầu rồng do hai cụ thiết kế có đặc điểm của rồng thời Nguyễn như đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, sư tử miệng há lộ răng nanh… Trải qua thời gian, sau này đầu rồng cũ được lưu giữ ở đình làng Thượng, đầu rồng mới kế thừa hình dáng đầu rồng của các vị tiền nhân và được sáng tạo thêm một số tiểu tiết như trang trí hệ thống đèn điện ở đôi mắt, thân rồng có các lồng đựng nến để rồng rực sáng khi biểu diễn buổi tối. Hiện nay, đội múa rồng làng Thượng có trên 30 thành viên, thường xuyên tổ chức biểu diễn ở các dịp Tết Trung thu, lễ Phật Đản, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán và dịp mừng thọ các cụ cao tuổi. Là vùng quê có truyền thống võ vật nên các thành viên trong đội thực hiện được nhiều điệu múa khó như “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu” và “Múa dưới nước”. Khi biểu diễn buổi tối, đội múa rồng làng Thượng còn thể hiện các tuyệt kỹ như: thắp nến thân rồng rồi múa làm cho rồng lung linh, huyền ảo; ban ngày người cầm gậy ngọc dẫn lộ để rồng đuổi theo thì buổi tối cây gậy ngọc được thay bằng bó đuốc sáng để múa lửa… Cùng ra đời với đội rồng làng Thượng (Mỹ Hưng), đội rồng làng Mai (Mỹ Thắng) hiện có 35 thành viên sinh hoạt. Tuy không nhiều trò diễn, nhưng đội rồng làng Mai lại thiên về các động tác kỹ thuật tạo điểm nhấn. Ông Trần Thế Bình, đội trưởng cho biết: Đặc điểm quan trọng nhất của múa rồng là nhịp trống chuẩn và người cầm ngọc dẫn đường; khi rồng múa thì “lắc đầu, vẫy đuôi”, lúc thành hàng một, lúc thành hàng đôi, tùy hoàn cảnh mà biến hóa đội hình linh hoạt, nhịp nhàng tạo nên các điệu múa đẹp mắt. Đầu và đuôi rồng tương hợp với nhau, uốn khúc phóng đi hay đảo lại nhịp nhàng uyển chuyển. Bên cạnh đội múa rồng làng Mai, xã Mỹ Thắng còn có đội múa sư, rồng làng Bườn và múa lân làng Mỹ. Đội múa sư, rồng làng Bườn tuy mới thành lập hơn một năm nhưng đã có trên 50 người tham gia, kinh phí hoạt động do các thành viên tự nguyện đóng góp cùng sự ủng hộ của con em xa quê. Không có truyền thống múa tứ linh lâu năm, nên khi mới thành lập các thành viên trong đội phải tự học các kỹ thuật múa rồng trên băng, đĩa. Với sự kiên trì luyện tập liên tục vào các buổi tối, hiện nay các tiết mục múa sư, rồng của đội đã trở nên thuần thục. Đội sư, rồng làng Bườn đã đóng góp những tiết mục đặc sắc ở dịp Tết Trung thu và các lễ hội hằng năm ở địa phương như hội đình Bườn vào dịp tháng 8 và tháng 10 âm lịch… Đội múa lân làng Mỹ được thành lập năm 2013 với gần 20 thành viên, có kinh phí đầu tư ban đầu gần 30 triệu đồng. Để tiếp cận với môn nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trong nghệ thuật múa tứ linh, đội đã thuê các thầy dạy múa lân chuyên nghiệp từ tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các thành viên tập luyện trong 10 ngày, sau đó các thành viên tự ôn luyện trong vòng nửa năm để biểu diễn thành thục các động tác. Múa lân chú trọng yếu tố kỹ thuật vì khi điều khiển mỗi con lân chỉ có 2 người. Do phải di chuyển liên tục nên múa lân đòi hỏi kết hợp hài hòa giữa võ thuật, sức khỏe cùng sự khéo léo, cẩn trọng trong mỗi bước nhảy. Thời gian để múa lân thường chỉ diễn ra từ 15-20 phút nhưng vẫn có đủ các bài múa như: “Lân chầu”, “Lân sư giao đấu”… Hiện nay, vào dịp lễ hội ở các di tích lịch sử - văn hóa địa phương đều có dấu ấn tiết mục biểu diễn của đội. Sự phát triển của các hoạt động múa tứ linh ở Mỹ Lộc là thành quả công tác xã hội hóa, huy động nhân dân khôi phục, phát triển các hoạt động văn hoá truyền thống. Một số đội múa tứ linh sau khi thành lập còn khó khăn trong kinh phí hoạt động, như mua sắm linh vật, phục trang, đạo cụ, trống, chiêng… đã tổ chức kêu gọi các thành viên đóng góp và con em xa quê hỗ trợ kinh phí hoạt động với chi phí hàng chục triệu đồng.

Mỹ Lộc là huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nên hầu hết lễ hội tổ chức ở các xã đều có các tiết mục múa tứ linh. Ngoài tạo không khí sôi nổi, phấn khởi động viên nhân dân lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, hoạt động của các đội múa tứ linh ở Mỹ Lộc đã góp phần gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của quê hương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com